Đề xuất biện pháp cứu di sản Vườn Chuối 3.500 tuổi

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 12/11, Sở VH&TT Hà Nội đã có văn bản số 4220/SVHTT-QLDT gửi UBND Hà Nội, các phương án bảo tồn đã được đưa ra. Đồng thời, Viện Khảo cổ học cũng ra tờ trình bày tỏ ý kiến để bảo tồn di tích này.

Bảo tồn 6.00m2

Vườn Chuối là một địa điểm khảo cổ học thời tiền sơ sử, phân bố trên các gò đất thôn Lai Xá. Từ khi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1969 đến nay, khu vực này đã trải qua 9 cuộc khai quật nghiên cứu khảo cổ học. Các di vật xuất lộ đều cho thấy, đây là một phức hệ di chỉ cư trú- mộ táng, phát triển liên tục qua các thời kỳ văn hóa Đồng Đậu- Gò Mun- Đông Sơn thuộc giai đoạn Tiền sử và Sơ sử ở miền Bắc nước ta.

Địa tầng di chỉ tồn tại 3 lớp văn hóa khác nhau là Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Các di tích, di vật ở đây chủ yếu là mộ táng, vết tích bếp, lò nấu đồng, hố chôn cột, về tích động thực vật, nhuyễn thể…Di vật phát hiện gồm 4 nhóm chất liệu chủ yếu: đồ đá, đồ đồng, đồ gốm và gỗ. Phạm vi phân bố di tích ở từng địa điểm bao gồm: Gò Vườn Chuối diện tích phân bố 12.000m2; gò Dền Rắn khoảng 3000m2, gò Mỏ Phượng 500m2.

 Công tác khai quật đã tìm ra nhiều dấu tích cách đây 3.500 của loài người tại khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối

Trước đó, ngày 22/10/2019, một cuộc hội thảo báo cáo sơ bộ kết quả khảo cổ học được tổ chức, theo đó, các ý kiến đưa ra đều nhấn mạnh việc phải đưa Vườn Chuối vào danh mục kiểm kê di tích của Thành phố, tổng hợp tư liệu lập hồ sơ xếp hạng.

Tại văn bản số 4220, Sở VHTT Hà Nội đưa ra đề xuất bảo tồn nguyên trạng địa điểm khảo cổ học Vườn Chuối. Trường hợp bất khả kháng thì theo phương án bảo tồn kết hợp với khai quật nghiên cứu khảo cổ, nghĩa là: Bảo tồn 6.000m2 nửa phía Đông di chỉ, khoanh vùng bảo vệ, xây dựng hồ sơ xếp hạng. Tiến hành  khai quật, nghiên cứu, di dời 6.000m2 nửa phía Tây di chỉ. Sau khi kết thúc nghiên cứu, giải phòng mặt bằng, phục vụ xây dựng tuyến đường vành đai 3.5.Đối với các di chỉ Dền Rắn và Mỏ Phượng tiến hành khai quật di dời khu vực phân bố di tích khảo cổ trước khi thực hiện xây dựng khu đô thị.

Trong nội dung văn bản 4220 mà Sở VH&TT báo cáo UBND TP Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị Chủ đầu tư xây dựng đường 3.5 và khu đô thị Thăng Long 9 trong quá trình triển khai thi công cần phối hợp với các cơ quan văn hóa, UBND huyện Hoài Đức, UBND xã Kim Chung theo dõi và dừng thi công khi phát hiện di tích, xử lý theo đúng Luật Di sản Văn hóa.

Trong chiều hôm qua, 11/11, Viện Khảo cổ học cũng đã có tờ trình số 370 do Viện trưởng Viện Khảo cổ học Nguyễn Gia Đối ký gửi UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan. Tờ trình nêu rõ, khu vực gò Vườn Chuối gồm 3 gò: Vườn Chuối, Mỏ Phượng và Dền Rắn. Cả 3 gò này đều nằm trong khu đô thị Kim Chung- Di Trạch. Phía Tây gò Vườn Chuối nằm trong phạm vi mở đường quy hoạch Vành đai 3.5. Viện khảo cổ học cũng đưa ra đề xuất, bảo tồn 6.000m2 phía Đông, xây dựng hồ sơ xếp hạng. Nửa còn lại mở rộng khai quật để nghiên cứu, sau khi nghiên cứu thì di dời hiện vật, giải phóng mặt bằng, phục vụ xây dựng tuyến đường vành đai 3.5 của Thành phố. Đối với Dền Rắn và Mỏ Phượng cần được tiến hành khai quật di dời trước khi thực hiện xây dựng khu đô thị.

Đào trộm cổ vật công khai, cần biện pháp cấp cứu

Năm 2007, trước thời điểm sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, UBND tỉnh Hà Tây đã phê duyệt dự án Khu đô thị mới Kim Chung- Di Trạch do Công ty CP Thương mại Xây dựng Vietracimex làm chủ đầu tư. Hiện nay, toàn bộ khu vực Vườn Chuối gồm 3 gỗ Vườn Chuối, Dền Rắn và Mỏ Phượng nằm trong phạm vi Dự án khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch của Thành phố Hà Nội do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex là chủ đầu tư.

Toàn bộ khu vực Vườn Chuối nằm trong phạm vi Dự án khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Xây dựng Vietracimex là chủ đầu tư.

Thực trạng khu vực di tích sau khi kết thúc khai quật đang diễn ra rất đáng lo ngại. Cụ thể, văn bản 4220 của Sở VH&TT Hà Nội đánh giá: Trong tháng 10 vừa qua, Tổng Công ty CP Thương mại Xây dựng tiến hành làm đường nội bộ và san nền khu đô thị đã xâm phạm vào khu vực di tích phân bố ở các gò Mỏ Phượng (san lấp toàn bộ diện tích), Dền Rắn (san lấp 50%) và làm đường nội bộ vận chuyển vật liệu ở phía Nam gò Vườn Chuối… Việc này đi ngược lại với các chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Bộ VHTT&DL cũng như Sở VHTT Hà Nội. Đặc biệt nghiêm trọng là khi đoàn khai quật khảo cổ vừa dừng công trường nghiên cứu thì hiện tượng đào trộm cổ vật liên tiếp xảy ra, việc đào trộm diễn ra… công khai.

Chính vì vậy, Sở VH&TT Hà Nội cũng đã đề xuất với UBND TP có văn bản đề nghị gửi Tổng công ty CP Thương mại Xây dựng Vietracimex về việc bảo vệ di chỉ Vườn Chuối theo pháp luật về di sản văn hóa. Chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức có phương án phân công các đơn vị thường xuyên bảo vệ, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi đào trộm cổ vật tại khu vực di chỉ Vườn Chuối. Trường hợp thấy có khả năng có di tích hoặc di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngừng thi công và thông báo kịp thời cho UBND huyện Hoài Đức, Ban QL Di tích và Danh thắng HN để có biện pháp xử lý kịp thời.