Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất đổi mới kỳ thi THPT quốc gia

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm giảm áp lực cho học sinh (HS) cũng như nâng cao chất lượng kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, nhiều chuyên gia đề nghị Bộ GD&ĐT nên tổ chức theo hình thức trắc nghiệm thay vì tự luận như năm 2015.

Thí sinh tham dự kỳ thi quốc gia 2015 tại điểm thi Đại học Sư phạm Hà Nội. 	 	Ảnh: Phạm Hùng
Thí sinh tham dự kỳ thi quốc gia 2015 tại điểm thi Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Nếu có sự lựa chọn, nhiều chuyên gia sẽ nghiêng về hướng thi đánh giá năng lực theo trắc nghiệm như Đại học (ĐH) Quốc gia Hà Nội tổ chức trong năm 2015. Với kỳ thi này, thí sinh chỉ cần thực hiện 1 bài thi trong một buổi, thi xong biết điểm ngay, không bị áp lực và tốn kém chi phí ăn ở đi lại. Tuy nhiên, khi chưa có đủ điều kiện để thực hiện, theo GS.TS Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), kỳ thi THPT quốc gia 2016 nên được tổ chức bằng hình thức trắc nghiệm. Hiện nay, các quốc gia thường tổ chức những kỳ thi lớn theo kiểu này. Khi thi trắc nghiệm, chất lượng sẽ phụ thuộc vào đề thi, chỉ cần bỏ ra vài năm để làm “ngân hàng” câu hỏi cho thật tốt. Còn thi tự luận, những người có năng lực không thể chấm được rất nhiều bài thi có chất lượng trong một thời gian ngắn. Nếu kỳ thi THPT quốc gia 2016 vẫn yêu cầu có phần thi tự luận thì nên được bố trí ở môn Ngữ văn và Toán, với 1 câu hỏi ngắn làm trong 30 phút. Kỳ thi này có thể rút xuống còn 1 ngày, thay vì 4 ngày như năm 2015. Khi đó, thời gian chấm thi cũng được rút ngắn, để các trường ĐH có điều kiện xét tuyển cho chính xác. “Nếu cải tiến được như tôi nói thì mỗi năm có thể tổ chức thi 2 đến 3, thậm chí 4 lần thi. Như thế, áp lực của kỳ thi lên thí sinh sẽ giảm” - ông Thiệp đề xuất.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam đề nghị, kỳ thi THPT quốc gia 2016 có 3 môn thi đơn (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 môn thi kép (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội). Còn nếu thi 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn như năm 2015 sẽ dẫn đến HS học lệch. Mặc dù Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ đẩy thời gian thi THPT quốc gia năm 2016 sớm lên 2 tuần, nhưng ông Nhĩ đề nghị thi ngay sau khi HS lớp 12 kết thúc năm học, vào cuối tháng 5: “Như thế, các em không phải chờ đợi trong 1 tháng. Và với 1 triệu HS thì xã hội sẽ không bị lãng phí khoảng 30 triệu ngày công lao động. Khi thi THPT quốc gia xong, HS có thể được tổ chức đi thực tế, được trang bị kỹ năng sống".

Hiện nay, dư luận đang băn khoăn về việc bỏ điểm sàn, liệu thí sinh tốt nghiệp THPT đủ điều kiện vào học ĐH có đảm bảo chất lượng đầu vào, nhất là khi việc đánh giá ở trường phổ thông chưa chuẩn xác? Về việc này, ông Thiệp cho rằng, phải có tiêu chí để xét tốt nghiệp THPT: "Tôi nghĩ HS đỗ tốt nghiệp là đủ điều kiện để các trường ĐH xét tuyển sinh vào học. Các trường ĐH muốn tuyển sinh chất lượng cao hay thấp thì tùy theo mục tiêu của mình. Nhưng phải công khai cho xã hội biết sẽ tuyển sinh ở mức điểm nào, yêu cầu cụ thể ra sao".