Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cai nghiện ma túy

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những bất cập của pháp luật về cai nghiện ma túy tự nguyện là thủ tục quá rườm rà, tính khả thi không cao do đó, khi sửa đổi các quy định này, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đề xuất phải đơn giản tối đa thủ tục hành chính.

Thi hành Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy năm 2008, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý để thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện. Theo Bộ LĐTB&XH, công tác cai nghiện tự nguyện đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, quá trình thi hành pháp luật về cai nghiện tự nguyện, đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế: Tỷ lệ người nghiện tham gia vào các chương trình điều trị, cai nghiện chưa đạt được mục tiêu trong chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2020, đặc biệt là số người cai nghiện tự nguyện đạt thấp, chưa khuyến khích, hỗ trợ người tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện.

Học viên tại một Trung tâm cai nghiện ma túy trong giờ tập thể dục.

Bộ LĐTB&XH chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập nêu trên, trong đó có bất cập trong các quy định của pháp luật. Đơn cử về cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, Điều 26 Nghị định 135/2004/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người thành niên, người tự nguyện vào cở sở chữa bệnh quy định hồ sơ đăng ký gồm: Đơn của người tự nguyện xin vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội để được chữa trị, cai nghiện, phục hồi (đối với người chưa thành niên phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ); Bản sao Giấy chứng minh Nhân dân hoặc Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng nhận tạm trú dài hạn (có công chứng hoặc kèm theo bản chính để đối chiếu)” như vậy khó khăn cho người muốn đi cai nghiện tự nguyện.

Hay Điều 27 quy định “Thời hạn xét hồ sơ của người tự nguyện xin vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội: Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ của người tự nguyện xin vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, Giám đốc Trung tâm xét duyệt hồ sơ và căn cứ vào khả năng tiếp nhận của Trung tâm để ra quyết định tiếp nhận. Quyết định tiếp nhận được gửi cho người tự nguyện, cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột hoặc người giám hộ (nếu là người chưa thành niên) và UBND cấp xã nơi người đó cư trú” điều này không cần thiết và vi phạm nguyên tắc tự nguyện...

Từ những phân tích trên, Bộ LĐTB&XH đề xuất Chính phủ xây dựng ban hành Nghị định quy định về cai nghiện tự nguyện cần đơn giản hóa thủ tục hành chính đi cai nghiện ma túy theo đúng Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy chỉ cần Đơn xin đi cai nghiện; không cần phải Bản sao Giấy chứng minh Nhân dân hoặc Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng nhận tạm trú dài hạn (trừ trường hợp hưởng hỗ trợ ngân sách Nhà nước cần phải lưu giữ các tài liệu chứng minh, tránh lạm dụng ngân sách). Đồng thời quy định thời gian xem xét tiếp nhận người tự nguyện vào cai nghiện từ 7 ngày sang ngay sau khi tiếp nhận người tham gia sử dụng dịch vụ cai nghiện tự nguyện...

Trong đề xuất, không quy định thời gian cai nghiện cứng nhắc là 6 tháng đến 12 tháng phải nội trú tại cơ sở cai nghiện cộng lập hoặc tối thiểu 20 ngày cơ sở cai nghiện ma túy dân lập… mà quy định theo hướng mở, người nghiện có thể lựa chọn các dịch vụ cai nghiện. Bên cạnh đó, bỏ việc thông báo hoàn thành cai nghiện ma túy tự nguyện với UBND cấp xã nơi người đó cứ trú tại Nghị định số 135/2004/NĐ - CP; Nghị định số 147/2003/NĐ - CP và tuân thủ nguyên tắc bảo mật thông tin của người tự nguyện tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện.

Đặc biệt, Bộ LĐTB&XH đề nghị quy định rõ trách nhiệm thực hiện của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác cai nghiện ma túy tự nguyện.