Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất đưa đường sắt liên tỉnh ra khỏi trung tâm Hà Nội

Ngọc Hải - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/8, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự, ATGT 7 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ tọng tâm 5 tháng cuối năm trên địa bàn TP.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì Hội nghị; cùng tham dự có Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng; Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cùng đại diện các Sở, ngành, địa phương.
Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, từ ngày 16/12/2016 - 15/7/2017, trên địa bàn TP đã xảy ra 807 vụ TNGT đường bộ, đường sắt, làm 319 người chết, 656 người bị thương.
 Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện báo cáo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 7 tháng đầu năm
So sánh với cùng kỳ năm 2016, giảm 88 vụ (9,8%), giảm 11 người chết (3,3%), giảm 80 người bị thương (10,9 %). Một số địa bàn TNGT diễn biến phức tạp, có số người tử vong còn cao như: Sóc Sơn (25 người chết), Chương Mỹ (24 người chết), Long Biên (21 người chết), Ba Vì (19 người chết), Thanh Trì (19 người chết), Thường Tín (19 người chết).

Riêng TNGT đường sắt lại có xu hướng gia tăng phức tạp. 7 tháng đầu năm đã xảy ra 14 vụ, làm 13 người chết; so sánh cùng kỳ: tăng 05 vụ, tăng 05 người chết, giảm 01 người bị thương.

Bên cạnh đó, TP cũng đa tập trung giải quyết được 6/41 điểm UTGT trong 7 tháng đầu năm nay. Đó là các điểm: Lò Đúc - Trần Khát Chân - Kim Ngưu, Trung Văn - Tố Hữu; Bắc Cầu Chương Dương; Trâu Quỳ - QL5; điểm nhà máy sữa Vinamilk - QL5; và điểm Trần Phú - Nguyễn Văn Lộc.

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, với mục tiêu giảm TNGT từ 5 - 10% trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) và giảm UTGT trên địa bàn Thủ đô, Thành uỷ, UBND TP đã có những chỉ đạo rất quyết liệt đói với các Sở, ngành, địa phương, nhằm triển khai một cách có hiệu quả các giải pháp ngay từ những ngày đầu của năm 2017. Đến nay, có thể nói công tác đảm bảo trật tự, ATGT trên địa bàn TP thời gian qua đã có những hiệu quả rất tích cực.

Tham luận tại Hội nghị, Phó Giám đốc Công an TP, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình đã đề xuất di dời tuyến đường sắt ra khỏi nội đô để hạn chế ùn tắc và TNGT.

Theo Thiếu tướng, hiện Hà Nội có khoảng 10km đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm, với rất nhiều đường ngang giao cắt. Ga Hà Nội cũng là một nơi thu hút đáng kể các chuyến đi và đến của người dân.

Thực tế này đang gây ra nhiều xung đột, gia tăng áp lực giao thông và là một trong những nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến tình trạng TNGT trên đường sắt diễn biến ngày càng phức tạp.

“Hiện trên thế giới chỉ còn Hà Nội và 5 TP khác là còn có đường sắt liên tỉnh trong nội thành; vừa nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự, ATGT” - Thiếu tướng Phạm Xuân Bình nhìn nhận.

Thiếu tướng Phạm Xuân Bình kiến nghị: “UBND TP và các cơ quan chức năng trung ương xem xét, di dời Ga Hà Nội ra khỏi khu vực trung tâm TP. Xoá bỏ hẳn đường sắt liên tỉnh trong khu vực nội thành”.

Theo Thiếu tướng, biện pháp này sẽ giúp loại bỏ những xung đột giao thông, giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm và đặc biệt là hạn chế TNGT đường sắt trên địa bàn Thủ đô.

Bên cạnh đó, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình cũng cho rằng, tình trạng xe Uber, Grab, xe khách trá hình... vẫn còn diễn biến phức tạp mà chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu.

Từ đầu năm 2017 tới này,Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã xử lý 339.832 trường hợp, phạt hơn 101 tỷ đồng, tạm giữ 870 ô tô, 8.121 xe máy, xe 3 bánh.

Lực lượng Thanh tra Sở GTVT cũng đã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, ATGT đối với 16.774 trường hợp, phạt tiền gần 40 tỷ đồng, tạm giữ 205 phương tiện, tước 1.910 Giấy phép lái xe.
 Phó Giám đốc Công an TP, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình tham luận tại Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào Tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, thời gian qua, Sở chủ động phối hợp với các lực lượng, cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nên giảm được tình trạng ùn tắc nơi cổng trường; học sinh không được cha mẹ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; số vụ học sinh vi phạm luật giao thông giảm... Bên cạnh đó có một số hạn chế như cha mẹ học sinh chưa thực hiện nghiêm túc quy định của nhà trường, lực lượng chức năng trong việc đưa con đến trường bằng xe máy, xe đạp điện; một số học sinh phổ thông đi xe phân khối lớn... 

Sở kiến nghị chuyển các điểm dừng đón trả khách xe buýt gần cổng trường để tránh ùn tắc; kiến nghị địa phương kiểm tra các điểm trông giữ xe máy gần trường học nhằm tránh tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đi xe máy đến trườn, hỗ trợ các trường học giảm ùm tắc giao thông trước cổng trường vào các giờ cao điểm.

Phó trưởng ban chỉ đạo 197 quận Đống Đa Đỗ Hồng Minh nhìn nhận, cùng với tình trạng vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm hành lang giao thông; việc thi công các công trình trọng điểm cũng là một nguyên nhân dẫn đến mất trật tự, ATGT trong khu vực nội đô.

“Hiện nhiều công trình chưa chú trọng đến các biện pháp đảm bảo giao thông tạm thời trong quá trình thi công. Một số khác thì sau khi làm xong, dời đi, đơn vị thi công chưa hoàn trả hạ tầng đầy đủ, êm thuận, đảm bảo ATGT” – ông Minh đánh giá.

Ông Minh kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở GTVT và các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ, đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu thi công các công trình xây dựng, nhất là khu vực nội thành, phải đảm bảo các tiêu chí như: có phương án giao thông tạm thời hiệu quả; hoàn trả hạ tầng đủ điều kiện kỹ thuật sau khi dời đi…

Tại hội nghị, ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, trong 7 tháng đầu năm, trên địa bàn huyện xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 24 người, bị thương 18 người; 1 vụ tai nạn đường sắt làm chết 1 người...

Theo ông Tuấn, mạng lưới giao thông trên địa bàn đa dạng, phức tạp, kết cấu hạ tầng giao thông còn bất cập, chưa đồng bộ, lượng người tham gia giao thông trên địa bàn tăng đột biến nhất là vào những dịp lễ, nghỉ hè, việc tuyên truyền hiệu quả chưa cao; quản lý kinh doanh vận tải, bảo vệ kết cấu hạ tầng còn hạn chế...

Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm an toàn giao thông; phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý nghiêm vi phạm...

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2017, được sự chỉ đạo, giúp đỡ của Chính phủ; Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành Trung ương; sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt với nhiều giải pháp mang tính đột phá của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố và sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị; các Sở, ban, ngành, các địa phương; sự tham gia ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự văn minh đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội dần đi vào nề nếp. Tình trạng ùn tắc giao thông từng bước được khắc phục, tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) và được Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá cao tại Hội nghị sơ kết toàn quốc 6 tháng đầu năm 2017. Đặc biệt, Sở Giao thông vận tải đã kịp thời tham mưu cho Thành phố hoàn thành Đề án "Tăng cường quản lý giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030" được HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp thứ 4.

Chủ tịch nói: "Thay mặt lãnh đạo UBND Thành phố, Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội, tôi xin nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự tập trung huy động nguồn lực, đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải, quản lý phương tiện đã góp phần xây dựng Thủ đô từng bước văn minh, hiện đại".

Theo Chủ tịch, mặc dù có những chuyển biến tích cực, xong trong quá trình triển khai thực hiện, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông 7 tháng đầu năm 2017 vẫn gặp không ít khó khăn, trở ngại như: Hạ tầng giao thông vận tải cơ bản được hình thành nhưng chưa hoàn chỉnh, chưa được khép kín; Các trục hướng tâm, các nút giao lớn vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, hoặc đang thi công chưa hoàn thiện; Các loại hình vận tải hoạt động chưa được nền nếp; phương tiện giao thông cá nhân tăng cao; Một số công trình thi công tại các nút giao trọng điểm tiến độ còn chậm, gây cản trở giao thông, dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn, ùn tắc giao thông và gây úng ngập cục bộ; Một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông ý thức chấp hành pháp luật giao thông còn hạn chế; tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, họp chợ còn tái diễn.

"Điều đó cho thấy, tính bền vững trong công tác bảo đảm trật tự An toàn giao thông, trật tự văn minh đô thị trên địa bàn Thành phố thời gian tới vẫn là một thách thức lớn đối với các cấp, các ngành của Thành phố, đòi hỏi nỗ lực hơn nữa của các Sở, ban, ngành; các cấp chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, văn minh đô thị trong những tháng còn lại năm 2017", Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bày tỏ.

Chủ tịch yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể; chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị cần bám sát và thực hiện tốt các Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải và Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 11/4/2017 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với việc triển khai quyết liệt, có hiệu quả 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm xử lý, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố theo kế hoạch số 123/KH-UBND ngày 01/6/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, trong đó tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: hạn chế, tiến tới xóa bỏ điểm đen, ùn tắc giao thông; nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt và quản lý hoạt động kinh doanh vận tải; tập trung chấn chỉnh tình trạng sử dụng, lấn chiếm hè phố trái phép; ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác điều hành giao thông vận tải.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu kết luận Hội nghị

Sở Giao thông vận tải, Công an Thành phố; các Sở, ban, ngành liên quan; các địa phương phối hợp thực hiện thường xuyên, đồng bộ các giải pháp về tổ chức giao thông, rà soát các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông để đánh giá nguyên nhân, có biện pháp khắc phục kịp thời, không để ùn tắc kéo dài trên 30 phút.

Chủ tịch giao Công an Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 01/BCĐ197 ngày 03/3/2017 của Ban Chỉ đạo 197 Thành phố về tăng cường kiểm tra, đôn đốc. xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện trên địa bàn Thành phố. Lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát cơ động, Thanh tra giao thông vận tải và các lực lượng chức năng có trách nhiệm: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, siết chặt công tác quản lý vận tải hành khách, bố trí phân luồng, tuyến hoạt động ra, vào các bến xe hợp lý, khoa học. Xử lý nghiêm tình trạng "xe dù", "bến cóc", chở quá số người quy định, vòng vo đón trả khách, dừng, đỗ sai quy định, xử lý phương tiện quá khổ, quá trọng tải quy định... nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, cũng như bảo đảm độ bền của công trình giao thông. Hoàn thành nhiệm vụ giảm tai nạn giao thông năm 2017 trên cả 03 tiêu chí về: Số vụ, số người chết và số người bị thương. 

Sở Giao thông vận tải chủ động phối hợp với các Sở, ban, ngành chức năng triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030" trình UBND Thành phố ban hành. Phối hợp với Tổng Công ty Vận tải Hà Nội điều chỉnh lại Đề án "Nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025".

Chủ tịch cũng yêu cầu tiếp tục triển khai kế hoạch "Năm An toàn giao thông 2017" với chủ đề "Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu niên" để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên ở trường học, khu vực đô thị và nông thôn.