Đề xuất giải pháp giảm áp lực cho ngành điện

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời, trong đó có điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện.

Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân chia sẻ tại hội thảo.
Đó là nội dung chính của Hội thảo “Thúc đẩy phát triển điện mặt trời áp mái tại Việt Nam” do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức ngày 27/2, tại Hà Nội.
Hội thảo nhằm phổ biến, triển khai tiếp cận các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển các dự án điện mặt trời; cập nhật công nghệ, kỹ thuật, giải pháp phát triển điện mặt trời áp mái dành cho mọi đối tượng khách hàng.
Tham luận tại hội thảo, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà khoa học đều khẳng định, trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực về bảo đảm cung ứng điện, đặc biệt sau năm 2020 khi cả nước không có nguồn khai thác mới thì việc phát triển các dự án năng lượng mặt trời, trong đó có điện mặt trời áp mái được xem là một trong những giải pháp góp phần giảm áp lực cho ngành điện.
Với mục tiêu phát triển điện mặt trời đạt 1 GWp vào năm 2020, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 2068/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam… Các chính sách này mở ra nhiều cơ chế khuyến khích cho thị trường điện mặt trời tại Việt Nam.
Một sản phẩm được trưng bày bên hành lang hội thảo. 

Nhấn mạnh tới yêu cầu cấp thiết phải ưu tiên phát triển điện mặt trời áp mái, Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, sau năm 2020 khả năng thiếu hụt nguồn điện là rất lớn. Là tập đoàn được Chính phủ giao thực hiện vai trò chính trong đảm bảo cung ứng điện cả nước, EVN luôn nghĩ tìm nguồn năng lượng mới để bù đắp nguồn thiếu hụt. Chính phủ đã có nhiều cơ chế khuyến khích điện mặt trời phát triển.
Tính tới cuối năm 2018, các đơn vị trực thuộc EVN đã lắp đặt được 54 công trình điện mặt trời áp mái với tổng công suất 3,2 MWp. Đối với khách hàng (công sở, hộ gia đình, DN…), các Tổng công ty Điện lực và Công ty điện lực đã ký kết thực hiện đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện năng giao nhận với 1.800 khách hàng đăng ký bán điện mặt trời áp mái với tổng công suất 30,12 MWp, sản lượng điện năng lũy kế phát lên lưới là 3,97 triệu KWh.
Đánh giá tiềm năng của điện mặt trời áp mái là rất lớn tại các tỉnh, TP có tiềm năng về bức xạ mặt trời, do đó, để tháo gỡ khó khăn cho nguồn điện này phát triển, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét cơ chế hỗ trợ các hộ gia đình một phần kinh phí đầu tư ban đầu lắp đặt điện mặt trời áp mái, có cơ chế cho các nhà đầu tư (bên thứ 3) tham gia đầu tư.
EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm ban hành Thông tư sửa đổi Thông tư 16/2017/TT-BCT quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời để EVN và các đơn vị điện lực chính thức ký kết hợp đồng và thanh toán tiền điện cho khách hàng; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật điện mặt trời áp mái bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả cho khách hàng cũng như hệ thống lưới điện…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần