Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề xuất hai phương án cho tuổi nghỉ hưu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thảo luận về chính sách bảo hiểm hưu trí và các phương án cải cách khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Hiện nay, đối tượng đóng bảo hiểm hưu trí của Việt Nam là 9,3 triệu người so với số lượng lao động ước tính 48,5 triệu người (năm 2009), đồng nghĩa với diện bao phủ BHXH còn thấp, mới đạt khoảng 20% lực lượng lao động. Các yêu cầu về tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, trong đó bảo đảm thu nhập cho người cao tuổi đang được đặt ra.

Nhiều ý kiến đề nghị cần những giải pháp để cân bằng quỹ bảo hiểm hưu trí ở Việt Nam khi bước vào giai đoạn già hóa dân số; đổi mới cách tính quỹ bảo hiểm hưu trí và có phương án cải cách bảo hiểm hưu trí... khi xây dựng Dự án Luật BHXH (sửa đổi). Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung. Đồng thời, Dự thảo cũng sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu, cụ thể là đã đưa ra 2 phương án quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng.

Ở phương án 1, từ năm 2016 trở đi, đối với CBCCVC cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ.

Phương án 2, từ năm 2016 trở đi, CBCCVC cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Độ tuổi để hưởng lương hưu trong trường hợp suy giảm khả năng lao động tăng thêm 5 tuổi so với quy định hiện hành. Tỷ lệ hưởng lương hưu được sửa đổi theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH tương ứng với 45% từ 15 năm lên 20 năm đóng BHXH. Quy định tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi được điều chỉnh tăng từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.