Trung tướng Lê Văn Hoàng (đại biểu đoàn Đà Nẵng) cho rằng, hiện nay, quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Do vậy, nhiều đối tượng sau khi học xong các chương trình dài 5 – 7 năm, muốn phục vụ trong quân đội lại bị luật khống chế, vì phần lớn đã hết độ tuổi nhập ngũ, khiến cho tỷ lệ công dân được gọi nhập ngũ có trình độ đại học trở lên rất thấp. Do vậy, để có thể gọi số thanh niên đã hoàn thành chương trình các bậc học cao, tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự, khắc phục tình trạng nhập ngũ chủ yếu là con em nông dân, có tỷ lệ tốt nghiệp đại học, cao đẳng rất thấp như thời gian qua. Đồng thời, tránh các biểu hiện trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Đại biểu Nguyễn Đức Chung (đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên họp tổ chiều 12/11.
|
Bên cạnh đó, dự luật lần này cũng nâng thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng để phù hợp với yêu cầu quân ngũ và đặc biệt là trong môi trường quân đội, thanh niên có điều kiện được tham gia huấn luyện quân sự, rèn rũa tính kỷ luật cao.
Đại biểu Nguyễn Đức Chung (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc kéo dài thời gian là hợp lý, cần thiết tùy thuộc vào từng binh chủng, bởi có những binh chủng cần thời gian huấn luyện dài như rada, phòng không…
Đại biểu Lê Văn Hoàng (đoàn Đà Nẵng) cũng chia sẻ, yêu cầu xây dựng lực lượng ngày càng cao, theo hướng chính quy, tinh nhuệ, tiến lên hiện đại, được trang bị nhiều vũ khí tối tân. Vì vậy, đòi hỏi phải có thêm thời gian để chiến sỹ tìm hiểu, phối hợp tác chiến, tham gia huấn luyện. Nếu thời gian tham gia nghĩa vụ chỉ có 18 tháng là không đủ. Hơn nữa thời gian 24 tháng sẽ thuận lợi hơn cho địa phương trong công tác tuyển quân hàng năm, mỗi năm chỉ cần tuyển một lần, giảm thời gian và chi phí cho địa phương. Đồng thời, lực lượng này về địa phương đã có trình độ cao hơn, đỡ tốn kém cho địa phương huấn luyện nâng cao.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) đã thu hẹp đáng kể đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ, khi các học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy mới được tạm hoãn. “Việc thu hẹp diện được tạm hoãn này là để nâng cao chất lượng gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội về thực hiện nghĩa vụ quân sự” - đại biểu Nguyễn Văn Hưng (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi, miễn nghĩa vụ quân sự thì nên hạn chế đảm bảo mọi người đều có cơ hội công bằng. Hoãn thì rộng rãi hơn cho các em có điều kiện đi học.
Đại biểu Đào Trọng Thi cũng cho rằng, tham gia nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm thiêng liêng để bảo vệ Tổ quốc. Công dân tham gia nghĩa vụ quân sự, được trang bị kỹ năng quân sự để tham gia sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Do vậy, không thể dùng tiền đóng góp để thay thế quyền và nghĩa vụ này. "Ngay chuyện phần lớn chỉ con em nông dân đi nghĩa vụ quân sự, còn nhà giàu không thì đã gây ra nhiều chuyện. Nếu bàn đến việc đóng tiền thay thế nghĩa vụ quân sự sẽ làm mất đi tính thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc" - Đại biểu Thi bày tỏ.