Đề xuất miễn giấy phép xây dựng 8 loại công trình: Bớt đoạn trường… lòng vòng

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chúng ta đang chủ trương đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính. Việc Bộ Xây dựng đề xuất miễn giấy phép xây dựng (GPXD) đối với một số công trình là hợp lý. Ít nhất chi phí về thời gian, tiền bạc của mỗi cơ quan, DN giảm một nửa. Con số này, nếu tính theo cấp số nhân, có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng” – GS.TSKH Đặng Hùng Võ đánh giá. Đó cũng là ý kiến chung của đại đa số chuyên gia quy hoạch, xây dựng.

 Giải quyết thủ tục tại Sở Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh
Gỡ bớt thủ tục
Dù các cơ quan chức năng khẳng định đã tối giản thủ tục và rút gọn "cửa" cấp phép, DN lẫn người dân vẫn lắc đầu ngao ngán. Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, cách đây hơn 10 năm, khi các DN muốn xin GPXD hay đầu tư cho một dự án rất đơn giản. Nhưng từ năm 2010 trở lại đây, thủ tục có chiều hướng "nở" thêm.

Ông Nguyễn Văn Đực phân tích cụ thể, giai đoạn 1, trước Nghị định 90/2006, thủ tục đơn giản. Để khởi công dự án luôn, chỉ cần có quyết định giao đất và phê duyệt quy hoạch 1/500. Thiết kế hạ tầng, giấy phép môi trường, PCCC bổ sung sau khi xây dựng.
Giá bán thời điểm đó là 5 - 6 triệu đồng/m2. Đến giai đoạn 2, Nghị định 90/2006 và Nghị định 71/2010 quy định về dự án đầu tư và GPXD quy định, bên cạnh quyết định giao đất và phê quyệt quy hoạch 1/500 cần phải thiết kế cơ sở hạ tầng (gồm PCCC, môi trường, điện, nước) mới được phê duyệt dự án đầu tư và cấp GPXD.
Để làm đầy đủ thủ tục này, DN thường mất thời gian 2 - 3 năm. Đến giai đoạn cuối, cùng với các thủ tục ở giai đoạn 2, chủ đầu tư cần phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiết kế kỹ thuật và GPXD mới được khởi công. Việc quản lý qua nhiều khâu này đã khiến DN tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc.

Trên tinh thần tạo thuận lợi hơn cho người dân và DN, trong 3 năm trở lại đây, Bộ Xây dựng đã quyết liệt gỡ bỏ những thủ tục không cần thiết về cấp GPXD. Gần đây nhất, Bộ Xây dựng có báo cáo đề xuất với Chính phủ 8 loại công trình được miễn GPXD tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư kinh doanh.

Nhận xét về phương án giản lược GPXD cho 8 công trình đặc thù, anh Lê Xuân Thành – Hoàng Mai bày tỏ: “Chi phí, thời gian xin cấp phép từ lâu vẫn nhiêu khê, khó bỏ. Tất cả cứ công khai rành mạch để mọi người theo đó mà làm là dễ thở nhất. Về lâu dài, Bộ cũng nên đề xuất thí điểm miễn GPXD cho những khu dân cư đã được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 quy định rõ số tầng, chiều cao, lộ giới đường, hẻm, quy mô xây dựng…”.

Không miễn cho tất cả

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, tất cả công trình cần phải có GPXD (trừ những trường hợp được miễn theo quy định) là cần thiết vì trình độ dân trí, điều kiện kinh tế - xã hội ở Việt Nam khác các nước. Vấn đề là thủ tục cấp phép như thế nào cho nhanh gọn, đơn giản. Tuy nhiên, vị này cũng nhấn mạnh: “Tuyệt đối không được luật hóa những quy định bất cập trên thực tế tại các nghị định hiện hành”.

Nhiều chuyên gia quản lý cho rằng, quan trọng nhất vẫn là công khai quy hoạch và quản lý được hoạt động xây dựng. Dự luật yêu cầu chủ đầu tư phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình lân cận.

Theo luật sư Nguyễn Thị Quyên - Công ty Luật TNHH Everest, nên thay đổi một số quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục, trình tự. Bên cạnh đó, đảm bảo hạn chế tối đa những quy định dẫn tới việc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền lạm quyền để gây khó khăn cho chủ đầu tư khi thực hiện thủ tục xin cấp GPXD. Tình trạng này không đúng với quy trình thời gian giải quyết thủ tục hành chính gây phiền toái cho các nhà đầu tư và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án mà họ đầu tư.

Bàn về 8 công trình được đề xuất miễn GPXD, luật sư Nguyễn Thị Quyên cho rằng rất hợp lý. Bởi lẽ, đây là những công trình đã được thẩm định, kiểm duyệt, phê duyệt bởi những cơ quan chức năng có thẩm quyền để đảm bảo tính “hợp pháp” của các công trình xây dựng này. Hoặc trong một số trường hợp, những công trình được miễn GPXD do việc xây dựng không gây ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít tới kết cấu, kiến trúc.
Tuy nhiên, đối với các công trình mang tính chất chiến lược, mức độ phức tạp cao, ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội thì việc yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định về xin cấp GPXD của pháp luật hiện hành. Bởi, nếu không được kiểm soát chặt chẽ ngay từ ban đầu, có thể hậu quả gây ra sau này rất lớn.
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, 8 loại công trình được đề xuất miễn GPXD gồm: Công trình bí mật Nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; Công trình được cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế xây dựng và có quy hoạch chi tiết 1/500; Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính;
Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch được cơ quan nhà nước phê duyệt…; Công trình xây dựng màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời có diện tích một mặt dưới 20m2; bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt dưới 40m2; Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, (trừ nhà riêng lẻ trong khu bảo tồn, di tích lịch sử);
Công trình sửa chữa, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực công năng sử dụng, ảnh hưởng tới môi trường; Công trình cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc.
Rút ngắn thời gian cấp giấy phép về xây dựng, đất đai
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 08/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp GPXD và các thủ tục liên quan. Trong đó yêu cầu rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng từ 166 ngày xuống còn tối đa không quá 120 ngày. Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng, cấp giấy phép xây dựng từ 82 ngày theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2017 xuống còn tối đa 63 ngày...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần