Đề xuất nâng mức xử phạt vi phạm xây dựng

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tỷ lệ vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn Hà Nội đã được kiểm soát tốt (hiện tỷ lệ này giảm còn ở mức 2,5%). Tuy nhiên, do các vụ vi phạm TTXD diễn ra với tính chất phức tạp hơn, vì vậy, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất nâng cao mức xử phạt gấp đôi đối với những trường hợp này.

Lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cưỡng chế tháo dỡ một công trình vi phạm TTXD về chiều cao trên phố Đào Duy Từ.
Diễn biến phức tạp
Số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng Hà Nội, kể từ khi triển khai Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý TTXD, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016 – 2020”, công tác quy hoạch, quản lý TTXD, trật tự đô thị đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Riêng với công tác quản lý TTXD, nếu nhiệm kỳ trước, tỷ lệ vi phạm chiếm tới 18%, thì từ đầu năm 2020 đến nay chỉ còn 2,5%. “Đến nay, đã xử lý dứt điểm 157/237 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 66,2%. Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 80/237 trường hợp, chiếm 33,8%. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 669 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt trên 13,4 tỷ đồng” – Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết.

Theo đánh giá, mặc dù số lượng công trình xây dựng vi phạm mới có chiều hướng giảm nhưng hình thức vi phạm phức tạp và khó lường hơn. Đơn cử, tại quận Ba Đình việc một công trình nhà ở riêng lẻ có diện tích hơn 300m2 tại số 13 Sơn Tây (phường Điện Biên) nhưng lại xây dựng tới 4 tầng hầm đang gây bức xúc dư luận. Trước đó là công trình nhà ở cao tầng kết hợp trung tâm thương mại số 8B Lê Trực vi phạm TTXD về chiều cao, sau nhiều năm vẫn đang trong quá trình xử lý. 

Nâng gấp đôi mức xử phạt

Để tạo tính răn đe, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, Sở đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị quyết Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng (theo quy định tại Khoản 2, Điều 20 Luật Thủ đô) như: Thi công không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu, phạt từ 2 – 20 triệu đồng; Xây dựng không có hoặc sai nội dung giấy phép, mức phạt từ 12 – 120 triệu đồng; Xây dựng không đúng với thiết kế được thẩm định, mức phạt từ 80 – 100 triệu đồng; Xây dựng công trình làm hư hỏng hạ tầng kỹ thuật và công trình lân cận mức phạt từ 40 – 80 triệu đồng. Đối với vi phạm xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch được duyệt, vi phạm chỉ giới, sai cốt xây dựng, lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông, cơi nới, lấn chiếm diện tích... mức phạt từ 200 - 240 triệu đồng. Đặc biệt, những hành vi đã bị lập biên bản mà tái phạm, mức phạt từ 20 triệu đồng - 2 tỷ đồng. “Trong dự thảo Nghị quyết, mức tiền phạt được quy định gấp 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức" - ông Nguyễn Việt Dũng cho hay.
Cùng với việc nâng cao chế tài xử phạt chủ đầu tư vi phạm cũng cần phải xử lý mạnh tay đối với những cán bộ trong cơ quan quản lý "làm ngơ" cho vi phạm. 
Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam KTS Phạm Thanh Tùng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần