Đề xuất phương án tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 58

theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do còn nhiều ý kiến khác nhau về tăng tuổi nghỉ hưu nên Bộ LĐTB&XH trình Chính phủ 2 phương án để xin ý kiến.

Bộ LĐTB&XH đang dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như: quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; mức lương tối thiểu; tăng thời giờ làm thêm; tuổi nghỉ hưu...
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu không gây xáo trộn mạnh đến việc bố trí và sử dụng lao động

Về tăng tuổi nghỉ hưu, theo Bộ LĐTBXH, lần sửa đổi này, tiếp tục có nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu vì những lý do như: tuổi thọ bình quân của người Việt Nam những năm gần đây đã tăng ; dân số nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số, trong tương lai lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt; nếu cứ giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí, tử tuất không đảm bảo trong dài hạn; bảo đảm sự không phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước Cedaw, công ước của ILO...
Theo Bộ LĐTB&XH, trong lần sửa đổi lần này nhận được nhiều ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, do còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nên dự thảo Luật hiện đang thể hiện 2 phương án tại Điều 187 để xin ý kiến: Phương án 1: giữ như hiện hành nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi.
Phương án 2: tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và nữ lên 58, tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng để đảm bảo việc tăng tuổi nghỉ hưu được vận hành "mượt mà", không gây xáo trộn mạnh đến việc bố trí và sử dụng lao động.
Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh 3 điểm chủ chốt cần quan tâm khi tăng tuổi nghỉ hưu. Đó là cần căn cứ vào sức khỏe của người lao động; điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; áp lực xã hội lớn nhất hiện nay là quan hệ giữa cung lao động và cầu sử dụng lao động. 
Theo Bộ LĐTB&XH, tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình. Nếu năm 2017, Quốc hội thông qua phương án này thì bắt đầu thực hiện từ năm 2020, để có quá trình đánh giá tất cả các tác động về việc làm, thị trường lao động, sức khỏe, năng suất lao động cũng như tâm lý của người lao động và doanh nghiệp.
Thông thường, các nước mỗi năm tăng thêm khoảng 3 – 4 tháng,  thậm chí có nước mỗi năm chỉ tăng 2 tháng. Đây là quá trình tính toán phải kết hợp cả khoa học, thực tiễn để làm sao đưa ra các phương án thích hợp trình Quốc hội.
Dự kiến, Bộ LĐTB&XH sẽ trình Chính phủ vào tháng 1/2017; trình cơ quan thẩm tra Quốc hội và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2017 và tháng 4/2017 sẽ trình Quốc hội dự án Luật.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần