Đề xuất xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông: Đừng lo đầu tư hạ tầng mà bỏ quên kinh tế

Hạnh Thu (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long cho rằng, Đề án xây dựng vốn cho cao tốc Bắc – Nam với tổng vốn đầu tư 230.000 tỷ đồng là bài toán khó thu xếp trong bối cảnh nợ công tăng cao.

Do đó, nên cẩn trọng với dự án bởi tác động lớn đến tổng thể cân đối tài chính ngân sách quốc gia.
TS Ngô Trí Long phân tích: Ai cũng biết rằng, việc đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở là cực kỳ quan trọng, nhưng phải cân nhắc thận trọng theo thứ tự ưu tiên, không thể đầu tư tràn lan dẫn đến nguy cơ bội chi ngân sách. Với tổng vốn đầu tư gần 230.000 tỷ đồng, Bộ GTVT còn dự kiến 60% còn lại huy động từ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các ngân hàng hiện cũng rất cảnh giác cho vay BOT vì nợ xấu rất nhiều. Bộ GTVT còn đề xuất gia tăng hạn mức tín dụng và hình thành gói tín dụng riêng cũng như kiến nghị cho phép Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) được Chính phủ bảo lãnh để phát hành trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, các đề xuất này không phù hợp với quy định hiện hành. Bởi, theo quy định, các dự án đầu tư đường bộ cao tốc không thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Ngân sách Nhà nước hiện phải cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho VDB rất lớn. Chưa kể, VDB đang tái cơ cấu nên việc giao thêm nhiệm vụ sẽ không khả thi và tăng thêm rủi ro cho ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh đó, TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, Bộ Tài chính là đơn vị giữ vai trò thu chi nên hơn ai hết hiểu rõ sẽ rủi ro do nợ công tăng cao vượt trần nên đã có những cảnh báo về vốn với Đề án cao tốc Bắc - Nam. ODA và nguồn vốn vay ưu đãi nước ngoài hiện rất khó khăn, do chỉ số rủi ro tín dụng cao, đi vay nước ngoài phải chấp nhận lãi suất lớn. Nếu không cân nhắc mà quyết thực hiện thì lãi suất cao, nợ công càng nguy hiểm. Thực tế triển khai các dự án BOT trong giai đoạn trước đây cho thấy rất nhiều lỗ hổng, khiếm khuyết từ công tác phê duyệt tổng mức đầu tư đến hoạt động thu phí. Do đó, Nhà nước và các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Bộ GTVT phải căn cứ theo nguồn lực thực tế để đầu tư, không thể chỉ đứng từ góc độ ngành là đầu tư hạ tầng mà quên đi những vấn đề mấu chốt của nền kinh tế như nợ công, hiệu quả đầu tư.