Chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là quyết định đặc xá của Nhà nước sẽ đến tay họ. Không ai bảo ai, từ những phạm nhân đang chấp hành hình phạt tù cho đến những người được bầu chọn vào danh sách, đều đang khấp khởi giây phút trọng đại trong đời…
Đếm ngược thời gian
Cách đây tròn 1 tháng, khi biết mình có tên trong danh sách được xét đặc xá năm 2011, Bùi Sơn Tùng bắt đầu vạch lên đầu giường ngủ đúng 30 vạch than đen. Số vạch ấy tương ứng với số ngày còn lại mà cậu ta phải chờ đợi để xem mình có được duyệt trong danh sách của Hội đồng Đặc xá Trung ương hay không. “Mỗi ngày em lại xóa đi 1 vạch. Tính đến hôm nay, chỉ còn 4 vạch nữa. Mỗi ngày thức dậy, nhìn số vạch than cứ ngắn dần lại, em thấy ngày tự do của em đã gần kề”.
Tùng còn khá trẻ, nhà ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội. Chỉ vì rượu mà cậu sinh viên trường Trung cấp Tin học ESTIH này đã vướng vào vòng tù tội khi cùng đám bạn cướp 1 chiếc điện thoại di động của một thanh niên khác. Thụ án tại Trại tạm giam số 2 CATP Hà Nội với hình phạt 42 tháng tù giam, những ngày đầu mới vào trại Tùng gần như suy sụp: “Cảm giác như mình mất tất cả anh ạ, tương lai, sự nghiệp học hành… Rượu chè khiến em nổi máu yêng hùng, mất kiểm soát. Đến khi vào đây rồi mới có thời gian ngẫm lại, lúc đó chỉ còn biết trách mình sao lại ngu dại đến mức ấy. Thế rồi thời gian cũng làm người ta bình tâm lại. Mức án của em cũng ngắn, cán bộ quản giáo liên tục động viên, rồi em bắt đầu cố gắng cải tạo và cuối cùng thì mọi sự cố gắng cũng được đền đáp”.
Ngày nào Tùng cũng theo dõi chương trình thời sự trên ti vi để nắm những thông tin về đợt đặc xá 2/9. Ban ngày thì tranh thủ mượn báo đọc. “Hồi hộp anh ạ, nhiều đêm em mất ngủ chỉ mong trời mau sáng. Lúc đó mới thấm thía câu nói “Một ngày tù nghìn thu ở ngoài” - Tùng chia sẻ. Dù vẫn còn nằm sau song sắt, nhưng Tùng đã chuẩn bị sẵn cho mình một loạt dự định: “Trước mắt em sẽ về bán hàng giúp mẹ, rồi cố gắng xin đi học lại. Mấy anh cán bộ trong này cũng bảo, tuổi em còn trẻ, vẫn còn quá nhiều thời gian để bắt đầu làm lại mọi thứ, thế nên em sẽ tiếp tục theo học ngành tin học vốn là sở trường của em từ nhiều năm nay”.
Nước mắt trước giờ đoàn tụ
Trong số 49 phạm nhân của Trại tạm giam số 2 đợt này được xét đặc xá có đủ mọi mức án, đủ mọi thành phần. Ngay sau khi có thông báo của Hội đồng Đặc xá Trung ương, Ban giám thị chúng tôi đã lên danh sách công khai các trường hợp được xét đặc xá và giảm án - Đại tá Nguyễn Công Dụng, giám thị Trại tạm giam số 2 cho biết. Theo quy định, những tiêu chí về xét đặc xá năm nay chặt chẽ hơn về quá trình, thời gian cải tạo đối với phạm nhân nhưng cụ thể và rõ ràng, chính vì thế những người hội tụ đủ các điều kiện theo quy định đều hoàn toàn xứng đáng được tha trước thời hạn.
Phạm nhân Nguyễn Sông Thao, quê ở xã Đạo Lý, Lý Nhân, Hà Nam mừng đến trào nước mắt khi biết mình có tên trong danh sách xét đặc xá trước thời hạn. Năm nay đã 62 tuổi, có lẽ ông Thao là người lớn tuổi nhất trong số 49 phạm nhân được xét tha đợt này. Năm 2010, ông Thao bị bắt vì tội vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng. Lúc mới vào, dù đã có tuổi nhưng ông cứ khóc ròng: “Tôi khóc không phải cho mình mà vì thương mấy đứa con đang ăn học. Chúng nó vì tôi mà mang tiếng có bố đi tù, vợ tôi thì mất đã lâu, không biết vắng cha chúng nó có cưu mang nổi nhau không”. Ông Thao đã cố gắng cải tạo và được xét đặc xá trong dịp này. Ông bảo: “Cách đây 2 tuần, khi mấy đứa con tôi vào thăm, tôi cũng đã thông báo cho các cháu biết tin vui này, thế là thay vì cười nói, cả mấy bố con đều khóc vì mừng”.
Dù đã có tuổi, nhưng cũng như tất cả mọi người khác ông Thao đã dự tính cho mình một công việc mới cho ngày mãn hạn tù: “Tôi vốn có tay nghề cơ khí nên chắc sau khi về quê tôi sẽ mở một tiệm sửa xe máy. Giàu thì mình chẳng dám mơ, nhưng chắc đủ sống và phụ giúp với con cháu”. Lúc chúng tôi tới, ông Thao đang hối hả cùng các trại viên khác chuẩn bị hội trường, cắt băng rôn, khẩu hiệu chào mừng ngày đón nhận quyết định đặc xá. Có lẽ trong ngày đó, không chỉ riêng bố con ông mà sẽ còn nhiều phạm nhân khác cũng sẽ mừng rơi nước mắt trong vòng tay của người thân.