Diện tích nhà ở xã hội trên có thể đáp ứng đủ chỗ ở cho 100.000 học sinh, sinh viên; 230.000 công nhân; xây dựng 15.500 căn hộ để bán, cho thuê với người thu nhập thấp; 20.000 căn hộ tái định cư.
Đây là một số chỉ tiêu cụ thể trong được nêu tại Lễ ký kết chương trình phối hợp hành động về triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, giữa Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội, sáng 24/7.
Nhu cầu thực tế về nhà ở xã hội trong giai đoạn 2011 – 2015 của TP Hà Nội dự kiến khoảng 10 triệu m2 sàn, nhưng trong điều kiện khó khăn hiện nay thì mục tiêu xây dựng khoảng 940.000m2 sàn nhà ở xã hội/năm vẫn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong trường hợp điều kiện kinh tế - xã hội phát triển thuận lợi, các chỉ tiêu này sẽ được điều chỉnh tăng, phấn đấu đáp ứng nhu cầu mỗi năm xây dựng 2 triệu m2 nhà ở xã hội.
Theo chương trình phối hợp hành động vừa được ký kết, Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội sẽ thành lập một tổ công tác để trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện với các thành viên là lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các sở, ngành của TP.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là phối hợp nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách về phát triển quản lý nhà ở, nhất là cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội phù hợp với tình hình của TP Hà Nội.
“Những chính sách vượt thẩm quyền của Bộ và TP thì đề xuất cho thực hiện thí điểm để đánh giá, hoàn thiện trước khi ban hành chính thức”, ông Dũng nói.
Đồng tình với hướng tiếp cận này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng: “cần mạnh dạn đề xuất cơ chế thực sự đột phá trong xây dựng và phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội”.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, một trong những hướng tiếp cận là Nhà nước sẽ xây dựng cơ chế đồng bộ để hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, vốn ít mang lại lợi nhuận so với các loại hình đầu tư xây dựng nhà ở khác. Những ưu đãi này có thể thông qua việc hỗ trợ tiền sử dụng đất, chính sách thuế, vốn, hạ tầng… nhằm hạ giá thành nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng các công trình, dự án nhà ở xã hội bằng nguồn ngân sách. Ngoài ra, Nhà nước cũng sẽ nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho người dân đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch, chất lượng, bảo vệ môi trường… “Các doanh nghiệp nhà nước phải vào cuộc, là nòng cốt trong xây dựng và phát triển nhà ở xã hội, đây là trách nhiệm, là nhiệm vụ chính trị”, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói.
Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong thiết kế, xây dựng nhà ở, tăng cường quản lý chất lượng, quy hoạch xây dựng cũng sẽ được Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội phối hợp thực hiện, với mục tiêu giảm giá thành nhưng không giảm chất lượng.
Dự kiến, từ nay đến tháng 12/2012, UBND TP Hà Nội sẽ ban hành một số cơ chế quan trọng như kế hoạch phát triển và quy định quản lý nhà cho thuê, nhà tái định cư, nhà ở xã hội; quy chế cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư bị cũ, hỏng, xuống cấp trên địa bàn.
Nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô từ nay đến năm 2015:
- Nhà ở cho học sinh, sinh viên thuê: 1,6 triệu m2 sàn, đáp ứng 250.000 chỗ ở.
- Nhà ở để bán, chu thuê, thuê mua đối với người thu nhập thấp: 4,1 triệu m2 sàn, đáp ứng 82.000 hộ dân.
- Nhà ở cho công nhân: 3,7 triệu m2 sàn, đáp ứng 320.000 người.
- Nhà ở phục vụ tái định cư: 2 triệu m2 sàn, đáp ứng 26.000 hộ dân