Theo Phó Thủ tướng, trong 5 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiểm soát, giá tiêu dùng tháng 5 giảm 0,06%; 5 tháng tăng 2,35%, là mức thấp nhất trong 4 năm qua. Từ nay đến cuối năm, Chính phủ kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; theo dõi sát diễn biến tình hình để điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách, nhất là về tài khóa - tiền tệ, hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu quyết liệt hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 mà Quốc hội đã đề ra.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến các giải pháp cụ thể như Chính phủ tháo gỡ khó khăn, hướng dòng vốn tín dụng vào các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có thị trường, cho vay tiêu dùng cá nhân, kích thích sức mua, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến cuối năm 2013 là 12%, bình quân hàng tháng sẽ có thêm khoảng 40 nghìn tỷ đồng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức tín dụng thành lập công ty quản lý tài sản của mình để xử lý nợ xấu. Phấn đấu đến cuối năm, sẽ xử lý được khoảng 105 nghìn tỷ đồng nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn vào năm 2015.
Với gói hỗ trợ cho vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội 30 nghìn tỷ đồng, Phó Thủ tướng cũng nhận định việc triển khai còn chậm. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xử lý các vướng mắc để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn này, phấn đấu đến hết năm 2013 giải ngân được khoảng 15 - 20 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục thực hiện việc giãn, hoãn thuế theo thẩm quyền và triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về miễn, giảm thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Tổng số tiền thuế được giãn, hoãn, miễn, giảm trong năm 2013 ước khoảng 37,7 nghìn tỷ đồng.
Thống nhất với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, thị trường là yếu tố quan trọng, quyết định sự sống còn đối với doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ tăng cường xúc tiến thương mại theo từng thị trường, sản phẩm; giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan thương vụ, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; tiếp tục thu mua tạm trữ nông sản xuất khẩu; từng bước mở rộng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu; tổ chức tốt hệ thống thông tin thị trường quốc tế, hỗ trợ trong xử lý tranh chấp quốc tế để thúc đẩy xuất khẩu. Thực hiện nghiêm việc kiểm định chất lượng, xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Tiếp tục rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, cấp phép... nhằm tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao khả năng cạnh tranh, tìm đầu ra cho sản phẩm, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa. Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, ngăn chặn hàng nhập lậu; thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại và sử dụng hàng rào kỹ thuật phù hợp để hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng không khuyến khích.