Đến năm 2025, nông dân Hà Nội sẽ có thu nhập bình quân trên 80 triệu đồng/năm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Kế hoạch số 227/KH-UBND thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội vừa được UBND TP ban hành, đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM); thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn đạt trên 80 triệu đồng/năm; toàn TP cơ bản không còn hộ nghèo.

Nông dân Hà Nội sẽ có thu nhập trên 80 triệu đồng/năm
Với Kế hoạch số 227/KH-UBND, UBND TP Hà Nội hướng đến cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy bằng các chương trình, đề án; phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội; các cấp, các ngành và Nhân dân Thủ đô để tập trung thực hiện đảm bảo tiến độ và hoàn thành các mục tiêu đã đề ra của Chương trình.
Hà Nội phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2025. Ảnh: Trọng Tùng.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 100% các huyện, các xã đạt chuẩn NTM; 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Cùng với xây dựng NTM, Hà Nội cũng kỳ vọng tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản hàng năm đạt từ 2,5 - 3%. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%. Toàn TP đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP trở lên. Triển khai Đề án “Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại Hà Nội”. Mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch.
Đến năm 2025, thu nhập bình quân của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 80 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên trên 95%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75 - 80%. Toàn TP cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn mới. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 95% trở lên. Duy trì 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. 100% số thôn có nhà văn hóa - khu thể thao thôn…
Huy động hơn 92.600 tỷ đồng thực hiện chương trình NTM
Để hiện thực hóa được mục tiêu trên, UBND TP Hà Nội đã đề ra nhóm các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực bộ máy quản lý Nhà nước; đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp; phát huy vai trò người đứng đầu.
Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng NTM. Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng phù hợp với phát triển đô thị. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ làm công tác xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Văn phòng điều phối NTM từ TP đến cơ sở.
Khoảng 92.600 tỷ đồng sẽ được Hà Nội huy động để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Hà Nội cũng sẽ tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Trong đó, tập trung triển khai hiệu quả Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng các vùng sản xuất tập trung, sản phẩm chủ lực của địa phương để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân vào sản.
Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng.
Tổ chức triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng văn hóa, y tế, giáo dục, môi trường và an sinh xã hội, xây dựng miền quê đáng sống. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn.
UBND TP Hà Nội dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 vào khoảng 92.680 tỷ đồng (tăng khoảng 15% so với giai đoạn 2016 - 2020). Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư là 83.700 tỷ đồng, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước (doanh nghiệp, Nhân dân đóng góp và nguồn khác…) là 8.980 tỷ đồng.
Nguồn ngân sách TP hỗ trợ nêu trên chưa bao gồm kinh phí thực hiện các đề án, kế hoạch trong Chương trình. Ngoài ra, ngân sách TP bổ sung cho Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội hàng năm khoảng 400 tỷ đồng để cho vay với lãi suất ưu đãi theo quy định đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, trang trại, người lao động thuộc lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội...