Tuy nhiên, kỹ năng sống ở trẻ không phải điều gì quá phức tạp và cao siêu, mà là những việc rất bình thường hàng ngày, hình thành từ chính cách chăm sóc con của các bậc phụ huynh. Cách nuôi dưỡng và dạy dỗ của bố mẹ sẽ hình thành nên cho con những kỹ năng sống cần thiết và cũng có thể khiến trẻ thiếu đi kỹ năng sống. Ngày nay, không ít cha mẹ bảo bọc con đến mức trẻ không có cơ hội tự suy nghĩ, tự thực hiện những việc cơ bản nhất để chăm sóc bản thân. Bởi thế mới có nghịch lý là trẻ ở những gia đình có thu nhập trung bình, chưa bao giờ tham gia các lớp kỹ năng sống tốn kém, nhưng vẫn có kỹ năng sống rất tốt. Vì trẻ được phát triển trong môi trường tự nhiên hơn, các em có cơ hội được tiếp xúc nhiều với thế giới xung quanh để phát triển toàn diện và học cách thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau. Không ít nghiên cứu đã chứng mình, trẻ biết chăm sóc bản thân, sau này khi lớn lên, sẽ không gặp khó khăn trong việc tự tổ chức cuộc sống riêng cho mình. Do đó, tùy thuộc vào độ tuổi, tính cách mà bố mẹ có thể đặt ra những việc nhà, những trách nhiệm phù hợp với con, ví dụ như dọn dẹp phòng ngủ của trẻ, sắp xếp đồ đạc cá nhân gọn gàng, dọn dẹp phòng tắm… Việc khen thưởng trẻ khi hoàn thành trách nhiệm là một điều cần thiết và quan trọng. Đây chính là một biện pháp hiệu quả để khuyến khích trẻ làm việc chúng cần phải làm. Bố mẹ có thể chỉ cần nói một câu "cảm ơn" cũng đủ cho trẻ thấy rằng việc làm của mình được đánh giá cao, nâng tinh thần trách nhiệm của con. Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ không chỉ là việc cho con tham gia các khóa học, bắt con ứng dụng các phương pháp sống hiện đại, mà kỹ năng đến từ mọi trải nghiệm trong cuộc sống. Tất cả đều hướng tới mục đích cuối cùng làm sao để trẻ lớn lên trở thành người tự lập, tự chủ trong mọi tình huống.