Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dẹp “loạn” trông giữ xe: Cần nghĩ khác, làm khác

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Do quỹ đất dành cho giao thông tĩnh còn eo hẹp; lại chồng chéo trong cấp phép; buông lỏng quản lý kéo dài, thực trạng trông giữ phương tiện tại Hà Nội đang rơi vào “hỗn loạn”, mất kiểm soát.

Nếu không sớm có lời giải cho vấn đề này, sẽ khó lòng xây dựng được một Thủ đô văn minh, hiện đại và phát triển.

Hệ lụy phức tạp

Hà Nội hiện có trên 5,5 triệu xe mô tô và hơn 550.000 xe ô tô các loại. Bình quân số ô tô tăng 17%, xe máy tăng 8%/năm. Ngoài ra còn hàng triệu ô tô, xe máy từ các tỉnh, thành khác đưa về Hà Nội sử dụng hoặc vãng lai mỗi ngày. Trong khi đó, tổng diện tích dành cho giao thông tĩnh trên địa bàn TP mới đạt 91,16ha, chiếm 0,21% đất xây dựng đô thị, đáp ứng được từ 8 - 10% nhu cầu đỗ xe. Từ thực tế đó nảy sinh vấn đề tất yếu là tình trạng bát nháo, lộn xộn trong hoạt động trông giữ xe trên địa bàn TP. Bãi trông giữ không phép, thu phí tùy tiện mọc lên khắp nơi, đặc biệt là những khu vực gần bệnh viện, điểm du lịch, tâm linh, bến xe… Không chỉ cá nhân tự “quy hoạch” vỉa hè, lòng đường trước cửa nhà mình thành bãi xe; mà các khu đất dự án trống, treo… cũng được “hô biến” thành điểm trông giữ, giá dịch vụ thì mỗi nơi mỗi kiểu bất chấp mọi quy định của luật pháp.

Biệt thự cổ trên phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng

Ngay sau Tết, Ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND TP đã trực tiếp khảo sát, phát hiện hàng loạt vi phạm về trông giữ xe tại chùa Quán Sứ, đền Quán Thánh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Đậu… Vi phạm cố hữu vẫn là trông giữ xe tự phát, không phép; sử dụng ngoài diện tích được cấp phép; giấy chứng nhận đủ điều kiện trông giữ phương tiện đã hết hạn… Hầu hết các điểm trông giữ đều không thu đúng khung giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo quy định (ít nhất là cao hơn từ 2 - 3 lần); thu không có biên lai, trên biên lai không ghi giá trông giữ phương tiện; vé do đơn vị thu tự lập... Cụ thể, quy định của TP tại các địa điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa đối với xe máy ban ngày thu 3.000 đồng/lượt, song tất cả các điểm được khảo sát đều thu cao hơn quy định, hầu hết 10.000 đồng/lượt. Đối với ô tô xe đến 9 ghế ngồi và xe tải từ 2 tấn trở xuống quy định thu 30.000 đồng/lượt, song hầu hết thu 50.000 đồng/lượt. Đại diện Ban Kinh tế - Ngân sách nhìn nhận, hầu hết các lỗi vi phạm này đã được Ban kiến nghị xử lý, khắc phục từ các đợt khảo sát của những năm trước nhưng “đâu vẫn đóng đấy”.

Vì đâu nên nỗi?

Có thể thấy, thực trạng “hỗn loạn” trong lĩnh vực trông giữ phương tiện bắt nguồn từ 4 nguyên nhân chính: Thiếu quỹ đất; quản lý chồng chéo, lỏng lẻo; lạc hậu về công nghệ, kỹ thuật và thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm. PGS.TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội chia sẻ, quy hoạch cũ của TP đã tính đến nhu cầu của giao thông tĩnh, sắp xếp nhiều khu vực làm bãi đỗ xe ngầm hoặc cao tầng; nhưng một số khu vực nay trở thành trung tâm thương mại, nhà cao tầng. Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm khi cho rằng, quy hoạch bị “băm nát”, chỉ tính đến mục đích đưa dân vào ở mà không tính đến giải quyết nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật, giao thông, do đó đất dành cho bãi đỗ xe vừa thiếu, vừa đang có xu hướng bị ăn mòn dần. Trong bối cảnh hạ tầng eo hẹp, TP cũng đã tính tới các giải pháp đa dạng, áp dụng công nghệ vào trông giữ phương tiện. Tuy nhiên, sau nhiều năm loay hoay phát triển, tới nay, Hà Nội cũng chỉ mới có vài điểm trông giữ xe bằng giàn thép tự động; mỗi điểm chỉ đáp ứng được số lượng xe rất ít như: Bãi đỗ xe giàn thép trên phố Trần Nhật Duật, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Công Trứ.

Bên cạnh đó, theo quy định về phân cấp, phân quyền hiện nay, các điểm trông giữ xe trên địa bàn TP có thể do Sở GTVT hoặc các quận, huyện cấp phép. Nhưng Sở QH - KT, cơ quan chịu trách nhiệm chính về quy hoạch của TP lại không có quyền quyết định vấn đề này. Dẫn đến tình trạng bãi xe mọc lên khắp nơi, người dân thì cứ tiện là gửi, bất chấp vị trí có phù hợp hay không, có gây ảnh hưởng đến hạ tầng, giao thông hay không. Mặt khác, khâu hậu kiểm, xử lý vi phạm về trông giữ phương tiện đã bị buông lỏng quá lâu, trực tiếp khiến căn bệnh mãn tính này trở nên “nhờn thuốc”. Theo tìm hiểu của phóng viên, Hà Nội hiện có hơn 100 DN được cấp phép trông giữ xe, và con số đó nếu so sánh với những bãi xe không phép, tự phát thì chỉ như hạt muối trong biển khơi. Đại diện Thanh tra Sở GTVT cũng phải thừa nhận, thực trạng trông giữ xe hiện nay quá lộn xộn, thiếu sự giám sát, hậu kiểm chặt chẽ, vai trò của cơ quan quản lý địa phương rất mờ nhạt, thậm chí là “mắt nhắm mắt mở” cho tồn tại. Cũng không thể không nói đến tính phức tạp trong quy định về kiểm tra, kiểm soát các điểm trông giữ phương tiện hiện nay. Muốn kiểm tra một điểm trông giữ xe phải có đủ thành phần của các Sở Tài chính, GTVT, Cục Thuế, chính quyền địa phương… Mỗi năm nhiều nhất liên ngành cũng chỉ tổ chức được 2 đoàn kiểm tra với đủ thành phần như trên.

Cần quy hoạch và thống nhất quản lý

Giới chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần có các giải pháp căn cơ, mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm mới mong giải quyết được thực trạng phức tạp trong lĩnh vực trông giữ phương tiện. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhận định: “Trước hết cần phải có một quy hoạch cụ thể cùng với những quy định nghiêm ngặt đi kèm. Tức là phải đưa giao thông tĩnh vào quy hoạch tổng thể, lâu dài; đối với các khu đô thị, nhà cao tầng bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí hạ tầng cho giao thông và bãi đỗ xe mới cấp phép xây dựng”. Đối với tình trạng cấp phép trông giữ phương tiện nhưng buông lỏng hậu kiểm hiện nay, Chánh Thanh tra Sở GTVT Trần Đăng Hải đề xuất: “Ai cấp phép thì người đó phải quản lý, giám sát; đơn vị nào làm sai thì dứt khoát thu hồi giấy phép. Việc kiểm tra, kiểm soát, mỗi địa phương, sở ngành phải chủ động lực lượng chứ không thể cứ dềnh dang chờ đợi, lập tổ liên ngành như hiện nay”.

Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng nên giảm bớt các DN trông giữ phương tiện, quy tất cả về một hoặc một vài đầu mối chính, đồng bộ trong quản lý, thuận tiện cho kiểm tra, kiểm soát hoạt động.q

Những DN được phép trông giữ xe, làm ăn quy củ đều ủng hộ và mong muốn việc tinh gọn, tránh tình trạng quá nhiều đơn vị cùng tham gia dễ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, chạy theo lợi nhuận mà bỏ quên trách nhiệm, nghĩa vụ. Cùng với đó, việc áp dụng công nghệ vào thu phí, số hóa bản đồ các điểm trông giữ xe; xây dựng thêm nhiều điểm đỗ ngầm hoặc cao tầng hiện đại cũng cần phải được quan tâm, thực hiện nhanh chóng để đảm bảo đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của TP.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội

Phạm Văn Đức