Dệt may hưởng lợi từ các FTA

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020, ngành dệt may phải đối diện với nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhiều DN phải vay ngân hàng để trả lương người lao động và chi phí nguyên phụ liệu, sản xuất khác... Song bằng nỗ lực tự thân, các DN đã vượt qua thách thức, cùng với đó là cú hích từ những hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định RCEP đã mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu (XK) mới.

Kiểm tra sản phẩm xuất khẩu tại Công ty CP may 10. Ảnh: Thanh Hải
Thích nghi với hoàn cảnh
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết, năm 2020 các DN dệt may đối diện với thách thức phải nhanh chóng chuyển từ sản xuất các mặt hàng truyền thống như sơ mi công sở, veston, đầm nữ cao cấp, sang sản xuất quần áo bảo hộ lao động, mặc trong nhà, nhất là khẩu trang chống dịch… Khi chuyển đổi kết cấu mặt hàng sẽ liên quan đến thiết bị công nghệ, nhưng máy sản xuất veston không thể đưa vào may khẩu trang. Chưa kể, may khẩu trang, DN phải thay đổi tổ chức sản xuất, đào tạo lại tay nghề cho người lao động...

Đó chỉ là một phần trong nhiều khó khăn của DN khiến kim ngạch XK dệt may Việt Nam năm 2020 không đạt được mục tiêu đề ra. Dự kiến XK đạt 35,27 tỷ USD, giảm 3,6 tỷ USD so với năm 2019, tương đương -9,29%, thấp hơn nhiều các quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25% (Nhật Bản giảm 3,98%; Trung Quốc giảm 20% so cùng kỳ, EU giảm sâu nhất...). Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19, vẫn phải ghi nhận nỗ lực của những DN dệt may kịp thời chuyển đổi cơ cấu mặt hàng, bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho hàng triệu người lao động. Điều này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương trong phiên họp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN ngành dệt may, da giày ngày 23/11/2020. “Năm 2020 khó khăn như vậy nhưng thặng dư thương mại chiếm hơn 19 tỷ USD. Bởi, DN giảm nhập khẩu, chủ động nguyên phụ liệu, chuyển dịch cơ cấu sản xuất về nông thôn, vùng sâu, xa, tạo việc làm cho người lao động, kích thích sự phát triển khiến tăng tỷ trọng thặng dư thương mại...” - ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh.

Cơ hội mới từ RCEP

Về mục tiêu năm 2021, ông Vũ Đức Giang cho biết, ngành dệt may Việt Nam đứng trước nhiều lợi thế và thách thức đan xen, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 còn có thể kéo dài từ 1 - 2 năm tới. Dự kiến 2021 khả năng XK khoảng 37 - 38 tỷ USD, có tăng so với 2020, nhưng với điều kiện là quý I/2021, toàn thế giới có vaccine để kiểm soát Covid-19, người dân có công việc, sức mua tăng lên.

Đặc biệt, về tác động của Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), ông Vũ Đức Giang đánh giá, RCEP sẽ mang tới nhiều cơ hội cho DN dệt may Việt Nam. Tại RCEP quy tắc xuất xứ lại là một “điểm cộng” tương đối dễ dàng cho DN Việt Nam. Cụ thể, ngành dệt may kỳ vọng RCEP sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam có một thị trường rộng mở hơn ở thị trường Trung Quốc, khi quốc gia này bắt đầu nhập khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng là một thị trường tiềm năng. Nếu trước đó hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN, Nhật Bản (trong khi Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu trong ngành này từ Trung Quốc), với RCEP, sản phẩm sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi XK. Ngoài ra, RCEP tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong ngành dệt may dễ dàng khai thác lợi ích của các hiệp định đã có và thúc đẩy chuỗi sản xuất trong khu vực...

“Có được các FTA sẽ là động lực, sức hút cho ngành dệt may Việt Nam, tiếp cận công nghệ, khách hàng, phần mềm quản trị mới để tiếp tục thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dệt may Việt Nam, đến 2030 XK 100 tỷ USD…” – ông Vũ Đức Giang nói. Đồng thời kiến nghị, Chính phủ sớm phê duyệt chiến lược phát triển ngành đến năm 2030 tầm nhìn 2035, chỉ đạo hình thành các khu công nghiệp dệt may lớn có xử lý nước thải tập trung, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư vào khâu dệt nhuộm nhằm đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các FTA thế hệ mới...
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) vẫn đảm bảo duy trì việc làm cho toàn hệ thống, không có người lao động nào phải nghỉ việc. Thu nhập bình quân dự kiến thực hiện năm 2020 là 7,95 triệu đồng/người/tháng. Đạt được kết quả đó, các DN đã linh hoạt triển khai trong công tác tổ chức sản xuất, sẵn sàng tiếp nhận các đơn hàng có giá trị gia tăng thấp, tập trung nghiên cứu và phát triển nhanh các đơn hàng mới phục vụ chống dịch… Đối với sản phẩm hàng may mặc, sản lượng sản phẩm sản xuất các loại lên tới 537 triệu sản phẩm, tăng 200% so với cùng kỳ năm trước.

Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường
Việc Chính phủ quyết định sửa Nghị quyết 20 (về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19) đã giúp DN “xoay chuyển tình thế”. Năm 2020 May 10 đạt tăng trưởng 3%, không phải sa thải người lao động mà còn tuyển thêm từ tháng 5 trở lại đây. DN kỳ vọng vào các Hiệp định thương mại tự do được ký kết như EVFTA, RCEP, qua đó ngành sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ cắt giảm thuế suất về 0%. Đây là cú hích tốt cho ngành phát triển.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 – CTCP Thân Đức Việt

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần