Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dệt may sẽ chịu thiệt trong TPP nếu liên kết yếu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong số các ngành được hưởng lợi từ TPP thì ngành dệt may Việt Nam là một trong những ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Nhưng nếu không sớm khắc phục những hạn chế, tăng cường liên kết thì các DN dệt may sẽ khó lòng tận dụng được hết các lợi thế này.

Theo các chuyên gia tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Các giải pháp giúp DN dệt may hưởng lợi lớn nhất từ TPP” tổ chức ngày 23/3, một khi TPP có hiệu lực, hàng dệt may sẽ được hưởng mức thuế xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm xuống gần bằng 0% từ mức 17% như hiện nay. 

TPP cũng có thể giúp dệt may và da giày Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu tới 165 tỷ USD vào năm 2025. Trong trường hợp không có TPP, con số này chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn, khoảng 113 tỷ USD. Đây cũng là ngành được quan tâm nhiều nhất trong TPP khi mà 12 nước thành viên đã đồng ý dành chương riêng về dệt may, tách ra khỏi đàm phán chương 3 về mở cửa thị trường đối với hàng hóa nói chung.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, cái khó hiện nay của ngành dệt may chính là phần nguyên phụ liệu. Hiện 70% nguyên phụ liệu của ngành dệt may là hàng nhập khẩu, trong đó đa phần nhập khẩu từ những nước chưa ký kết TPP (Trung Quốc…). 

Đây sẽ là rào cản khiến ngành dệt may Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập sắp tới bởi theo quy định về nguồn gốc xuất xứ của TPP, một sản phẩm dệt may muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo TPP thì tất cả các nguyên liệu, bắt đầu từ sợi trở đi, phải được sản xuất tại các nước tham gia TPP.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, TPP cho ngành dệt may nhiều cơ hội lớn nhưng còn nhiều thách thức phải đối mặt. 

Do đó, muốn hưởng lợi lớn nhất từ TPP thì từng cấp DN, Hiệp hội phải tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, quốc gia. Hiệp hội phải làm thế nào để hiểu được nội dung của TPP sau đó phải biết chúng ta đang có lợi thế gì? Cơ hội thách thức ra sao, điểm mạnh, yếu để đưa ra các giải pháp phù hợp.

Cũng theo ông Cẩm, điểm yếu hiện nay của các DN Việt Nam là việc liên kết giữa các DN còn yếu. Các DN chưa tìm được khách hàng trực tiếp mà thường xuất khẩu sang trung gian nên họ rất dễ chỉ định chúng ta dùng nguồn nguyên vật liệu của họ. Và khách hàng lớn cũng chỉ định dùng dịch vụ logictis của hãng tàu biển theo yêu cầu của họ… Nước ta liên kết rời rạc còn phía nước ngoài họ gắn kết rất chặt chẽ với nhau. Thậm chí họ bắt tay với nhau để nâng giá và gây khó cho DN Việt. 

Đại diện Hiệp hội khẳng định, trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa, nắm bắt mọi vướng mắc của DN để đề xuất lên cơ quan quản lý. Trong thời gian vừa qua cơ quan quản lý đã tiếp thu phản ánh của các DN hội viên với tinh thần cầu thị cao. Hy vọng trong thời gian tới dưới sức ép của TPP thì môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện hơn nữa, thuận lợi hơn nữa.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Hưng Yên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, để tận dụng khả năng tối đa khi vào TPP, các DN nên khai thác những lợi thế sẵn có của DN mình. Hai là, chuẩn bị các nguồn nguyên liệu nội khối mà chúng ta hiện chỉ có 10%. Thứ ba là vấn đề nội khối, chúng ta chỉ mới lôi kéo được Ấn Độ. 

Hiện Tập đoàn Dệt may đã có sẵn khu xử lý nước thải và cần kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng. Khi đàm phán về vấn đề này cần phải đưa ra điều kiện đối tác phải bao tiêu sản phẩm cho DN Việt Nam. Các DN chấp nhận phương án đầu tư cơ sở hạ tầng bằng tiền 10 – 15%. “Hiện thể chế của Nhà nước chúng ta không giống các nước, do đó trong vòng vài năm tới chúng ta phải cải cách nền hành chính để phù hợp với các nước TPP” – ông Dương đề xuất.