Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dệt may tìm cơ hội qua Amazon

Khắc Kiên - Ngọc Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với chất lượng sản phẩm dệt may của Việt Nam được cải thiện, hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu cao của các đối tác khó tính, xu hướng thương mại điện tử (TMĐT) ngày một rộng mở với hàng loạt hệ thống bán hàng online, trong đó Amazon được coi là kênh tiềm năng cho DN vào thị trường EU.

Thay đổi thói quen
Thực tế cho thấy, xu hướng TMĐT ở thời điểm hiện tại có 55% khách hàng thay vì vào google đã vào trực tiếp trang của Amazon, 10 người thì 9 người nói muốn mua sắm qua Amazon do dịch vụ trọn gói, thuận tiện và có niềm tin với trang mua sắm này… Chia sẻ về lĩnh vực dệt may tại Hội thảo “Xúc tiến bán hàng tới thị trường EU thông qua kênh Amazon” do Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức ngày 10/5, ông André Aslund – Chủ tịch Công ty Vorwarts (chuyên giới thiệu DN bán hàng qua kênh Amazon) nhận định, các công ty may mặc của Việt Nam rất có tiềm năng, bởi có thể bán được trực tiếp các sản phẩm của mình sang EU thông qua trang bán hàng Amazon rất lớn. “Tôi và đồng nghiệp của tôi đã tiến hành nghiên cứu và thấy rằng, chất lượng sản phẩm dệt may của Việt Nam rất cao và hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu cao từ phía khách hàng tại EU” - ông André Aslund chia sẻ.
 Công nhân Công ty May Trường Phúc (Hưng Yên) may hàng xuất khẩu. Ảnh: Khắc Kiên
Hiện nay, theo thông lệ, các DN của Việt Nam và các nước châu Á thường bán sản phẩm dệt may của mình thông qua đại lý hoặc bên trung gian sang thị trường EU. Tuy nhiên, nếu như biết cách thâm nhập qua Amazon thì các DN có thể cắt giảm được khâu trung gian, giảm chi phí, nâng cao chất lượng cạnh tranh cho mặt hàng dệt may của Việt Nam. Nói về cơ hội thâm nhập qua Amazon, ông André Aslund cho biết, rõ ràng có sự thay đổi đáng kể trong hành vi của người tiêu dùng. Trước đây người tiêu dùng EU khi mua hàng chủ yếu dựa vào uy tín của các thương hiệu mà họ cảm nhận. Tuy nhiên, với hình thức TMĐT, người tiêu dùng có thêm những công cụ khác như là đánh giá về sản phẩm, mô tả về sản phẩm, xếp hạng sản phẩm thông qua những người sử dụng khác…

"Việt Nam đang có khoảng 100 loại sản phẩm bán trên trang điện tử Amazon. Để DN có thể tận dụng một cách hiệu quả việc quảng bá, bán hàng trên kênh Amazon, DN phải nắm chắc các quy định pháp lý, các rào cản về bán hàng qua Amazon như các chuyên gia đã cảnh báo. Cùng với đó, DN phải chủ động hơn ứng dụng về công nghệ thông tin, tăng cường hình ảnh sản phẩm để thu hút hơn khách hàng." - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam Hoàng Ngọc Ánh

Còn đó thách thức

Nhấn mạnh đến thách thức khi vào thị trường EU, ông André Aslund cho rằng có hai thách thức lớn nhất. Thứ nhất, muốn bán sang thị trường EU và muốn tồn tại tại thị trường này thì trước hết phải tuân thủ khuôn khổ pháp luật của EU. Những quy định đó rất đa dạng, đầu tiên, cần tuân thủ các chính sách liên quan đến thuế. Chẳng hạn, điều nhỏ nhất khi bán qua Amazon là cần có mã số thuế VAT để quyết toán được thuế, đó là cách đáp ứng yêu cầu của các nước trong thị trường EU. Thách thức thứ hai chính là sự thỏa mãn khách hàng bằng nhiều công cụ khác nhau về chất lượng sản phẩm, thiết kế sản phẩm. Nếu như chúng ta làm khách hàng hài lòng, họ sẽ giới thiệu sản phẩm của Việt Nam cho những khách hàng khác, gây hiệu ứng lan tỏa. Còn nếu không sẽ gây ra hiệu ứng ngược lại.

Trong khi đó, bà Lê Thị Nhật Linh – Trưởng phòng kinh doanh xuất khẩu Công ty TNHH Ban Mai cho rằng, khó khăn nhất của việc xuất khẩu sang châu Âu là nguồn cung của nguyên liệu. Tuy nhiên, hiện tại đây là điểm yếu của nhiều DN dệt may trong nước. Trong tương lai, khi sự đầu tư mạnh mẽ của các công ty nước ngoài vào việc cung cấp nguyên phụ liệu cho dệt may Việt Nam thì nguồn nguyên liệu của Việt Nam sẽ tốt hơn. Bản thân là DN may mặc Việt Nam, có hợp tác với DN tại châu Âu và đặc biệt thị trường Đức, bà Linh mong muốn có thêm nhiều sự hợp tác thông qua các hội thảo để nắm bắt được thói quen tiêu dùng của khách hàng châu Âu như thế nào để có phương án điều chỉnh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.

Thay vì dành nhiều chi phí tốn kém để xây dựng thương hiệu, ông André Aslund khuyến nghị, các DN cần tập trung cung cấp sản phẩm có chất lượng tốt nhất, thiết kế đẹp, hình ảnh bắt mắt giới thiệu trên website, tạo ra được bảng xếp hạng sản phẩm tốt, các đánh giá sản phẩm tích cực từ người tiêu dùng. Qua đó, các DN tiết kiệm được rất nhiều tiền từ quảng bá thương hiệu để tập trung xây dựng sản phẩm tốt đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. “Tôi nhận thấy Việt Nam có lợi thế rất lớn khi xuất khẩu sang thị trường EU nói chung và các nước khác nói riêng. Bởi Việt Nam là nước đang phát triển nên nhận được ưu đãi thuế nhập khẩu vào EU tương đối thấp, đặc biệt tại Đức” – ông André Aslund một lần nữa nhấn mạnh.
Châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ. Mặc dù lượng thặng dư thương mại lớn, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Âu tăng mạnh trong nhiều năm qua nhưng các rào cản thương mại đã phần nào làm chững lại tốc độ này và các DN đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực thi hiệp định EVFTA. Để khắc phục những khó khăn này, việc tìm giải pháp nhằm mở rộng thị trường là vô cùng cần thiết.