Việc di chuyển này nhằm để phù hợp với nét sinh hoạt văn hóa dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan di tích.
Tại "Phố ông Đồ," các nhà bạt, giấy bút, mực nghiên được trang bị phù hợp, văn minh. Ban tổ chức có hướng dẫn để người dân nhận biết về giá viết, chỗ để xe, bảo quản tư trang..., và có đường dây điện thoại nóng để hỗ trợ người dân.
Ông đồ đang cho chữ tại Phố Ông đồ Hà Nội.
|
Tham gia viết thư pháp tại "Phố ông Đồ" năm nay lên đến 60-70 người, được tuyển chọn từ các câu lạc bộ thư pháp như Câu lạc bộ Thư pháp UNESCO Việt Nam, Hương Nam học đường, Nhân Mỹ học đường...
"Phố ông Đồ "mở cửa từ 8 giờ 30 đến 20 giờ hàng ngày. Riêng đêm 30 Tết kéo dài đến 2 giờ sáng, ngày mùng 1, mùng 2 Tết kéo dài đến 22 giờ đêm để phục vụ nhân dân đi vui Xuân.
Từ nhiều năm nay, tại khu vực vỉa hè bên ngoài tường rào khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mỗi dịp Tết đến xuân về đều có nhiều người đến viết thư pháp, cho chữ, “phố ông đồ” hình thành từ đó.
Tuy nhiên, việc căng bạt dựng lều, cho chữ ở đây tự phát, không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng nên thường gây ra tình trạng lộn xộn, mất mỹ quan cho khu di tích Văn Miếu, bên cạnh đó cũng gây hiện tượng tắc đường nghiêm trọng tại các tuyến phố Nguyễn Thái Học, Quốc Tử Giám…