Di dời trụ sở bộ, ngành: Ì ạch đến bao giờ?

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 5 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định về biện pháp, lộ trình di dời và sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội. Đến nay, việc di dời diễn ra vô cùng “ì ạch” khiến cho nhiều ý kiến trong Thường vụ Quốc hội khóa XIV không khỏi băn khoăn, lo ngại.

Xung đột về quyền lợi
Báo cáo của Bộ Xây dựng, đến nay đã có 9 bộ, ngành, cơ quan T.Ư hoàn thành việc đầu tư xây dựng và chuyển về làm việc tại trụ sở mới bao gồm: Bộ Nội vụ, Bộ TN&MT, Bộ KH&CN, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao.
“Trong các bộ, ngành đã đầu tư xây dựng trụ sở mới, chỉ có Bộ Nội vụ đã bàn giao lại trụ sở cũ cho cơ quan có thẩm quyền quản lý. Vẫn còn một số cơ quan tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, chưa thực hiện việc bàn giao cho TP Hà Nội khai thác, sử dụng” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho hay.
Theo KTS Nguyễn Văn Thanh – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, sở dĩ các bộ, ngành hiện nay vẫn chưa chịu bàn giao lại đất trụ sở cũ cho TP Hà Nội mà vẫn coi đây là trụ sở thứ hai và tiếp tục sử dụng vì còn nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi chưa được giải quyết.
 Dù đã xây dựng trụ sở mới nhưng Bộ TN&MT vẫn chưa bàn giao trụ sở cũ trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
“Nhiều cơ quan lấy lý do là chưa rõ ràng về cơ chế xử lý đối với phần đất trụ sở cũ, cơ quan sở hữu trước đó có quyền bán đi để lấy quỹ xây dựng trụ sở mới hay không nên đã xảy ra tình trạng trì trệ, chậm bàn giao” – ông Thanh nhìn nhận.
Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội đã được đưa ra bàn thảo. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với đề xuất Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất, sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc T.Ư quản lý trên địa bàn (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh).
“Với việc được chấp thuận như vậy, dường như những xung đột về quyền lợi sẽ lại bùng phát. Chính phủ cần phải có sự quyết liệt để giải quyết tận gốc vấn đề này” – ông Thanh phân tích thêm.
Điều đáng nói, đây không phải lần đầu tiên việc chậm di dời và chậm trả lại trụ sở sau khi các cơ quan, bộ, ngành di dời được nhắc đến trên diễn đàn Quốc hội. Còn nhớ, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đã thừa nhận, việc thực hiện di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô TP Hà Nội vẫn còn chậm. Về việc một số cơ quan đã xây trụ sở mới, nhưng chưa bàn giao trụ sở cũ, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, còn khoảng 8 - 9 cơ quan chưa bàn giao lại trụ sở. Bộ Xây dựng sẽ có các biện pháp để xử lý dứt điểm tình trạng này. Tuy nhiên, việc xử lý đến nay vẫn còn rất chậm trễ.
Công khai nguồn tài chính
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ các địa phương khác cùng phát triển. Do đó, nhiều đại biểu cho rằng, trách nhiệm của cả nước đối với Hà Nội phải xứng tầm, thể hiện sự quan tâm thích đáng hơn với Thủ đô. Trong đó có cơ chế tài chính đặc thù liên quan đến bán tài sản công gắn liền với đất. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: “Các cơ quan, đơn vị được cấp đất xây dựng trụ sở mới thì phải trả lại đất cho Hà Nội. Bây giờ làm chưa nghiêm thì tới đây phải làm đúng quy định”.
 Trụ sở mới của Bộ TN&MT và Bộ Nội vụ trên đường Tôn Thất Thuyết, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng
Trao đổi về vấn đề này, KTS Trần Huy Ánh – Hội KTS Hà Nội cho rằng, việc Hà Nội đề xuất được hưởng 50% khoản tiền khi bán tài sản công gắn liền với đất là hợp lý nhưng vấn đề quan trọng là phải công khai, minh bạch cũng như giải pháp sử dụng hiệu quả nguồn tài chính đó.
“Việc được giữ lại 50% số tiền sẽ dẫn đến những câu hỏi để làm gì và làm như thế nào? Thực tế hiện nay, Hà Nội vẫn đang cần rất nhiều nguồn lực để kiến thiết hạ tầng, phát triển đô thị nâng cao đời sống người dân. Vì vậy cần phải hết sức minh bạch và đầu tư có hiệu quả nguồn vốn được khai thác” – ông Ánh nhấn mạnh.
Ở khía cạnh khác, TS.KTS Hoàng Hữu Phê – chuyên gia quy hoạch, quản lý đô thị nhìn nhận, việc di dời trụ sở cũ của các cơ quan, bộ, ngành là việc làm cấp thiết để giải quyết giảm tải về hạ tầng cho vùng nội đô vốn đang quá tải và giúp Hà Nội thực hiện thiết kế chung cho đô thị.
“Cách đây hơn 10 năm, khi Chính phủ quyết định mở rộng địa giới hành chính của Hà Nội là nhằm mục đích tăng sức mạnh kinh tế cho Thủ đô để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đô thị khác trong khu vực và trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Để làm được điều này, theo tôi, việc đầu tiên Hà Nội phải bắt đầu từ bài toán quy hoạch và kiện toàn hệ thống hạ tầng; kiện toàn các chức năng đô thị đang còn thiếu của mình” – ông Hoàng Hữu Phê nói.
Ngoài ra, vị KTS này cũng cho rằng, trên thế giới đã chứng kiến nhiều sự “tách rời” của những trung tâm chính trị - hành chính và kinh tế, như: Canberra (Australia) tách từ thủ đô tạm thời Melbourne năm 1927; Brasilia (Brazil) tách từ Rio de Janero năm 1960...
Gần đây nhất là Putrajaya (Malaysia) tách từ Kualar Lumpur năm 2002 để trở thành trung tâm chính trị - hành chính. Theo ông, Thủ đô Hà Nội cũng cần phải có sự tách rời như thế để biến các khu vực trung tâm trở thành một trung tâm giao dịch tài chính – ngân hàng; là địa điểm đặt trụ sở của nhiều công ty hàng đầu thế giới; trở thành khu vực có nét kiến trúc văn hóa đặc thù thu hút làn sóng du lịch.
"Hà Nội sẽ không thể phát triển nếu như các cơ quan giúp việc của Chính phủ cứ nằm đan xen với các khu dân cư, tạo ra sự hỗn độn” – ông Phê nhìn nhận.

"Rất nhiều trụ sở làm việc của các bộ, ngành T.Ư đang hiện diện trên những công trình có kiến trúc Pháp cổ giữa trung tâm Hà Nội. Những công trình này được xác định có giá trị lịch sử to lớn đối với văn hóa của Thủ đô. Sau khi di chuyển, các địa điểm này có thể đấu giá một phần hoặc từng phần để khai thác thương mại và kết hợp với bảo tồn di sản kiến trúc." - Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, PGS.TS Lê Quân


"Đối với các bộ, ngành đã chuyển đi rồi nhưng không chuyển giao lại trụ sở, đất đai cho TP Hà Nội, Chính phủ cần có biện pháp. Nếu không Hà Nội không thể thực hiện được chủ trương, chính sách của Chính phủ và Quốc hội." - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh


"Nhiều đơn vị cứ nói như đinh đóng cột, rằng cho đất xây trụ sở mới thì sẽ trả lại trụ sở cũ nhưng cuối cùng đến nay chưa mấy đơn vị chịu trả. Do đó, bây giờ giao cơ chế thì Hà Nội phải làm nghiêm." - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần