Tuy là bệnh không lây, nhưng hen phế quản lại có tính di truyền. Nếu có bố hoặc mẹ bị hen, người con có tới 25 - 30% nguy cơ mắc. Nếu cả hai bố mẹ đều bị, nguy cơ mắc bệnh của con có thể lên đến 50%. Tuy nhiên, di truyền không phải là yếu tố duy nhất quyết định khi môi trường có thể tham gia gây bệnh với người có sẵn cơ địa dị ứng và góp phần làm nặng bệnh, hoặc khởi phát đợt cấp của bệnh trên những người sẵn có bệnh hen. Việt Nam là nước đang phát triển, ô nhiễm môi trường trầm trọng ở các TP lớn khiến các bệnh dị ứng tăng nhanh, trong đó có hen phế quản.
Theo nghiên cứu của GS.TSKH Nguyễn Năng An - Chủ tịch Hội Hen, Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Việt Nam, năm 1961, tỷ lệ lưu hành căn bệnh hen phế quản ở người lớn tại miền Bắc là 2,1%. Theo nghiên cứu mới được công bố, tỷ lệ mắc bệnh hen ở huyện Ba Vì (Hà Nội) là 3,9% và ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) là 5,6%.
Vào thế kỷ XIX, hen phế quản được coi là một trong "tứ chứng nan y". Bệnh diễn biến bất ngờ, ban ngày thì người bệnh khỏe mạnh, làm việc, sinh hoạt bình thường, đến đêm hoặc khi tiếp xúc với các chất kích thích quá mạnh, người bệnh lên cơn khó thở, nếu không có thuốc sẵn hoặc không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.
Hen phế quản có điều trị dứt điểm được không? Câu trả lời là không, nhưng rất may là bệnh có thể ổn định ở hầu hết các bệnh nhân, nếu tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ. Khi đó, người bệnh sẽ không có triệu chứng của hen phế quản, không cần dùng thuốc hoặc hiếm khi phải dùng để cắt cơn... Vậy các triệu chứng của hen là gì? Đó là khò khè, khó thở, thở rít, nặng ngực, và ho, đặc biệt về đêm. Các triệu chứng có xu hướng lặp lại, đặc biệt khi bị cảm cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, khi thay đổi thời tiết hoặc khi hít, tiếp xúc với các chất kích thích. Những triệu chứng này xảy ra do thay đổi lưu lượng khí thở ra. Sự thay đổi này do nhiều nguyên nhân như do tắc nghẽn phế quản, co thắt cơ trơn, dày thành phế quản, tăng tiết nhầy… Sự thay đổi lưu lượng thở ra cũng có thể xảy ra ở những người bình thường nhưng mức độ lớn hơn gặp ở người bị hen phế quản.
Có nhiều yếu tố kích thích khởi phát hoặc làm nặng bệnh hen phế quản nhưng hay gặp là nhiễm virus, tiếp xúc với các dị nguyên (bọ nhà, bụi nhà, gián, phấn hoa, nấm mốc...), các loại khói như khói hương, khói thuốc lá. Ngoài ra, khi gắng sức, rối loạn cảm xúc cũng có thể gây ra đợt cấp của hen phế quản. Đợt cấp của hen có thể xảy ra bất kể lúc nào, thậm chí với cả những người đang được điều trị hen, mặc dù với mức độ nhẹ hơn rất nhiều so với những người không điều trị.
Cán bộ y tế đo chức năng hô hấp cho người bệnh.
|
Sáng 8/11, Câu lạc bộ (CLB) Bệnh nhân hen phế quản sẽ ra mắt tại hội trường tầng 5, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Thành viên CLB sẽ được khám nội khoa, đo chức năng hô hấp và tư vấn miễn phí về bệnh hen phế quản và các vấn đề liên quan. Người dân có thể đăng ký tham gia CLB qua số điện thoại 0932571386; qua email: hoangtrang.hmu@gmail.com hoặc đăng ký trực tiếp tại quầy tiếp đón của phòng khám Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. |