Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Di sản tín ngưỡng đầu tiên của thế giới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vào 18 giờ 7 phút (tính theo giờ Việt Nam), ngày 6/12, tại Paris (Pháp), tổ chức UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Như vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là di sản đầu tiên được thế giới vinh danh ở loại hình tín ngưỡng.

24/24 phiếu công nhận

Theo thông tin từ các thành viên tham gia kỳ họp xét duyệt lần thứ 7 của Hội đồng liên quốc gia về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại Paris, hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam đã nhận được 24/24 phiếu thuận. Đoàn  Việt Nam gồm, đại biểu của tỉnh Phú Thọ; Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam; Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cùng các cán bộ Phái đoàn Việt Nam tại UNESCO có mặt đông đủ trong phòng họp tại trụ sở UNESCO đã đón nhận tin vui này.

 
Di sản tín ngưỡng đầu tiên của thế giới - Ảnh 1

Đoàn rước kiệu và dâng lễ vật lên các Vua Hùng trong mùa lễ hội 2012.Ảnh: TTXVN

"Hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam được đánh giá cao trong cuộc họp xem xét lần này là vì từ hồ sơ, các nhà khoa học đã thể hiện tín ngưỡng thờ cúng này được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng Việt Nam. Ngoài ra, người Việt Nam còn áp dụng cả tín ngưỡng đó trong giáo dục và nghiên cứu khoa học. Hơn nữa, bộ hồ sơ được chuẩn bị tốt và nêu bật thành tựu trong bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Rõ ràng, Việt Nam là một hình mẫu cho thấy, không phải là quốc gia giàu có nhất mới đưa ra được những biện pháp bảo tồn tốt nhất" - bà Cécile Duvelle, Trưởng ban Thư ký của UNESCO khẳng định.

Ngoài ra, hồ sơ tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đáp ứng đủ 5 tiêu chí của UNESCO đề ra, đó là: Tính cấp bách hay tính đại diện, có sự thực hành tốt nhất trong đời sống… Trong kỳ họp, ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã phát biểu: "Tín ngưỡng vua Hùng của Việt Nam vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới đã khẳng định sự trường tồn, bất diệt, đạo lý nhớ về cội nguồn, hòa hợp dân tộc có từ hàng ngàn năm nay của người Việt, nâng cao ý thức tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của người Việt. Đây là một quyết định có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam về lịch sử, văn hoá và tâm linh".

Lời cam kết với thế giới
 
Di sản tín ngưỡng đầu tiên của thế giới - Ảnh 2
Đoàn dâng hương tại đền Thượng, khu di tích lịch sử Đền Hùng. Ảnh: TTXVN

Theo GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, thờ quốc Tổ của Việt Nam là hình thức phóng đại của thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình. Người Việt có tâm thức lấy khung ứng xử của gia đình mở rộng cho cả xã hội. Đặc biệt, nói đến giá trị văn hóa tâm linh thì đây là ý thức hướng về cội nguồn, là sự kết nối cộng đồng.

Không gian thờ Hùng Vương xuất phát từ Phú Thọ, sau đó lan ra một số địa phương rồi rộng mở vào miền Trung và Nam Bộ. "Và từ xa xưa các vương triều ở Việt Nam đã coi Lễ hội Đền Hùng là Quốc lễ. Hàng năm, các quan đầu tỉnh về đó để tế lễ. Việc thờ cúng Vua Hùng cũng được các triều đại, con cháu người Việt chú trọng thực hiện. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn ghi dấu trên phong sắc của các triều đại. Đến nay, Phú Thọ còn hơn 181 di tích thờ Hùng Vương, và số lượng nơi thờ Hùng Vương trong cả nước lên đến 1.471" - PGS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Chủ nhiệm hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cho biết.

Tuy nhiên, rất nhiều GS sử học của Việt Nam lên án hiện tượng thương mại hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong Lễ hội Đền Hùng ở vài năm gần đây. Việc tạo kỷ lục Guinness cho chiếc bánh chưng, bánh dày, hay chai rượu kỷ lục... là những việc làm thiếu văn hóa lễ hội, gây phản cảm, lợi dụng lễ hội để quảng bá thương hiệu. "Người dân bảo, các cụ quen ăn bánh chưng gói bằng hai bát gạo rồi, đừng cúng bánh khổng lồ vừa không đúng với truyền thống, khó vận chuyển, bảo quản và lãng phí" - ông Bền nhấn mạnh.

Tại buổi lễ đón nhận kết quả, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ cũng cam kết với Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 rằng: Việt Nam sẽ làm hết sức mình thực hiện nghiêm túc Công ước 2003 để cùng với cộng đồng trao truyền, thực hành, giáo dục thế hệ trẻ bảo vệ và phát huy giá trị di sản này để di sản mãi trường tồn cùng dân tộc xứng đáng là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngoài tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, trong kỳ họp lần này, UNESCO đã công nhận nhiều hồ sơ di sản khác, trong đó có: Trang phục cưới truyền thống ở Tlemcen, Algeria; Biểu diễn anh hùng ca ở Armenia; Nghệ thuật chế tác và trình diễn đàn tar của Azerbaijan; Kỹ thuật làm đồ đất nung ở quận Kgatleng; Kỹ thuật làm túi thêu của người Papua…