Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Di sản tư liệu: “Lên tiếng” đòi bảo vệ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong 2 năm 2009 và 2010, Việt Nam có hai di sản tư liệu (Mộc bản triều Nguyễn và Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442 - 1779)) được UNESCO công nhận. Sau sự ghi nhận từ thế giới, chúng ta đã đặt lên "bàn cân" đong đếm tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản tư liệu.

KTĐT - Trong 2 năm 2009 và 2010, Việt Nam có hai di sản tư liệu (Mộc bản triều Nguyễn và Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442 - 1779)) được UNESCO công nhận. Sau sự ghi nhận từ thế giới, chúng ta đã đặt lên "bàn cân" đong đếm tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản tư liệu. Và một cuộc bàn tròn quốc tế về "Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản tư liệu" đã mở ra cách nhìn rõ nét hơn về kho tàng di sản tư liệu Việt Nam cũng như những vấn đề "nóng" của chuyện bảo tồn.

Kho tàng 30.000m tư liệu di sản quý, hiếm

Theo bà Lã Thị Hồng, Trưởng phòng nghiệp vụ Văn thư lưu trữ Trung ương (Trung tâm lưu trữ Quốc gia), hiện nay, Trung tâm sở hữu 30.000m tư liệu di sản quý, hiếm. Tài liệu thời kỳ phong kiến, được viết chủ yếu bằng chữ Hán - Nôm, chiếm khoảng 2.000m, gồm các khối tài liệu như: Châu bản triều Nguyễn (văn bản có thời gian sớm nhất là năm 1448); mộc bản triều Nguyễn. Tài liệu thời kỳ Pháp thuộc, được viết chủ yếu bằng tiếng Pháp, chiếm khoảng 8.000m… Riêng tài liệu thời kỳ Mỹ - Ngụy được viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh, chiếm khoảng 7.000m …

Ngoài ra, trong kho tàng tư liệu di sản quý, hiếm của Trung tâm Văn thư, Lưu trữ Trung ương còn có tài liệu thời kỳ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được viết chủ yếu bằng tiếng Việt (khoảng 13.000m). Tài liệu khoa học kỹ thuật có khoảng 3.000m, bao gồm bộ sưu tập bản đồ thời kỳ Pháp thuộc và Mỹ ngụy. Tài liệu nghe nhìn có khoảng 300.000 tấm phim, ảnh... Đây là nguồn di sản tư liệu, là nguồn thông tin quan trọng đang "lên tiếng" cần được bảo vệ.

“Cấp cứu” di sản tư liệu

Châu bản và Mộc bản là khối tài liệu hình thành dưới các đời vua triều Nguyễn (1802 - 1945). Tổng số có gần 800 tập châu bản và trên 33.000 tấm mộc bản. Đây là khối tài liệu đầu tiên được thể hiện bằng chữ Hán và chữ Nôm, lưu trữ thông tin về hệ thống chính quyền nước ta thời ấy. Năm 2009, khối tài liệu này đã được công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Từ năm 1961 - 1975, Mộc bản triều Nguyễn được bảo quản tại Chi nhánh Văn khố Đà Lạt. Dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, vì nhiều lý do, Mộc bản không được quan tâm đúng mức. Có những Mộc bản bị ngâm dưới hầm, nước ngập 45cm. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Chính vì thế, riêng đối với khối tài liệu này đã có một đề án "Cấp cứu tài liệu Châu bản, Mộc bản". Nhất là sau khi được công nhận là "Di sản tư liệu thế giới", Cục Văn thư và Lưu trữ đã tăng cường hơn việc bảo quản...

Một nguồn di sản tư liệu nữa cần "cấp cứu" là tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam. Năm 2008, đề án "Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam" "khởi động" trong 4 năm thực hiện đề án này, Trung tâm Văn thư, Lưu trữ Trung ương đã gom được 500 tài liệu, tư liệu về Côn Đảo…

Mặc dù, có rất nhiều đề án đang được thực hiện nhằm bảo quản và phát huy giá trị di sản tư liệu. Tuy nhiên, với một kho tàng di sản tư liệu đồ sộ, vẫn còn rải rác khắp nơi, việc bảo vệ nó là vấn đề cấp thiết, mà thời gian không đợi.