Ngày 13/9, tại Quảng Ninh, diễn ra Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cho khu di tích lịch sử Nhà Trần tại Đông Triều. Nhân dịp này, huyện Đông Triều đã đón nhận Quyết định công nhận đô thị Đông Triều mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại 4. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cùng các lãnh đạo, cán bộ ngành của Trung ương và địa phương.
Khu Di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều hiện là khu Di tích Quốc gia đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với quy mô tổng thể là 2.206 ha, bao gồm 14 cụm di tích nằm ở phía Nam dãy núi Đông Triều gồm: Đền An Sinh, lăng Tư Phúc, đền Thái, Thái Lăng, Mục Lăng, Ngải Sơn Lăng, Phụ Sơn Lăng, Nguyên Lăng, Đồng Hỷ Lăng, chùa Ngọc Thanh, chùa Ngọa Vân, chùa Tuyết, chùa Quỳnh Lâm và chùa Hồ Thiên... trải dài trên 4 xã An Sinh, Bình Khê, Thủy An và Tràng An.
Di tích lịch sử nhà Trần đón bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (Ảnh: Hải Minh/VGP)
|
Vùng đất cổ Đông Triều trước đó có tên gọi An Sinh hay Yên Sinh, vốn là quê gốc của nhà Trần trước khi dời đến Thái Bình và Nam Định. Đây là vùng thánh địa linh thiêng mang đậm yếu tố lịch sử, văn hoá đặc sắc, nơi quê gốc nhà Trần. Các di tích đời Trần trên đất Đông Triều nối liền với quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, tạo nên hệ thống di tích về hành trình tu hành và hoá Phật của Đức vua Trần Nhân Tông.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện Đông Triều nói riêng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời, yêu cầu tỉnh Quảng Ninh và huyện Đông Triều cần tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành của Trung ương để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn bền vững và phát huy toàn diện các giá trị của khu di tích nhà Trần tại Đông Triều.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đề nghị: “Tỉnh Quảng Ninh và huyện Đông Triều cần tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề nghị tỉnh và huyện đẩy mạnh việc kết nối, hợp tác giữ các vùng, địa phương, phát huy lợi thế về so sánh các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, hệ thống lễ hội, làng nghề để hình thành các sản phẩm du lịch phong phú, độc đáo mang đậm chất văn hóa văn minh sông Hồng gắn với xây dựng thương hiệu du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc trở thành điểm đến mang tầm khu vực và quốc tế”.