Tuy nhiên, sau 3 năm Luật HTX 2012 có hiệu lực, số HTX chuyển đổi thành công và hoạt động có hiệu quả vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ. Bài 1: Sức bật từ những “lá cờ đầu” Nắm bắt được thời cơ và nhanh chóng bắt tay vào cải tổ bộ máy, phương thức hoạt động gắn với thực tiễn sản xuất chính là chìa khóa giúp cho một bộ phận HTX vươn lên mạnh mẽ, trở thành điểm tựa vững chắc cho xã viên. Điểm tựa của xã viên Trong suốt chặng đường phát triển của nền kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, không thể không nhắc tới vai trò của các HTX trong tập hợp xã viên sản xuất theo định hướng chung. Trước yêu cầu của thực tiễn, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật HTX số 23/2012/QH13 (gọi tắt là Luật HTX 2012), có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013, thay thế cho Luật HTX số 18/2003/QH12 (Luật HTX 2003). Mục tiêu là nhằm khuyến khích và phát triển mô hình HTX kiểu mới, đồng thời định hướng phát triển các HTX hiện có hoạt động theo đúng bản chất. So với Luật HTX 2003 thì Luật HTX 2012 có khá nhiều điểm mới, tập trung mang lại lợi ích cho các thành viên thông qua việc cam kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ và tạo việc làm theo nhu cầu của thành viên. Từ sự điều chỉnh cần thiết ấy, không ít HTX đã thực sự có bước chuyển mình đáng kể.
Đi dọc con đường được bê tông hóa chạy dài tít tắp ra xứ đồng Thanh Mai, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, chúng tôi tìm đến HTX Hoàng Long. Gần 8 năm qua, các thành viên HTX này đã đổ nhiều mồ hôi công sức gây dựng nên trang trại chăn nuôi lợn khép kín được thiết kế không khác gì một chung cư mini. Lợn và thức ăn chăn nuôi được vận chuyển bằng… thang máy. HTX Hoàng Long hiện nuôi khoảng 3.000 lợn thịt và 400 lợn nái, mỗi năm cung ứng cho thị trường khoảng 800 tấn thịt cùng hàng chục ngàn lợn giống. Ngoài doanh thu hàng năm không dưới 10 tỷ đồng, HTX còn tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 lao động với mức thu nhập khá. Không chỉ lĩnh vực nông nghiệp, nhiều HTX thuộc khu vực vận tải, kinh tế làng nghề cũng chủ động nắm bắt thời cơ để đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Ông Trần Quốc Khải – Giám đốc HTX Vận tải Nội Bài cho biết, nhờ doanh thu đạt khá (trên 120 tỷ đồng/năm) nên HTX luôn bảo đảm việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định cho 483 thành viên, người lao động. Mỗi năm, HTX nộp ngân sách Nhà nước trên 3,4 tỷ đồng. Hay như HTX Dịch vụ nông nghiệp Dương Liễu (Hoài Đức) nhiều năm qua vẫn đảm bảo thu nhập ổn định cho trên 2.500 xã viên, nộp thuế trung bình hơn 560 triệu đồng/năm. HTX Sơn khảm Ngọ Hạ (Phú Xuyên) không chỉ duy trì và phát triển tốt nghề khảm trai truyền thống mà còn tổ chức hiệu quả việc đào tạo nghề cho xã viên. 5 năm qua, HTX đã giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động, trong đó có nhiều người khuyết tật, với thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng. Có thể nói, trong vòng 3 năm qua khi Luật HTX 2012 có hiệu lực, nhiều HTX đã và đang hoạt động hiệu quả, trở thành “điểm tựa” cho xã viên. Sự phát triển của các mô hình HTX kiểu mới không chỉ tạo nên giá trị cho các HTX mà còn là tiền đề cần thiết để đóng góp ngày một nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung, cũng như những đổi thay diện mạo khu vực nông thôn. Trợ lực kịp thời Trên địa bàn Hà Nội hiện có 1.789 HTX, trong đó HTX nông nghiệp chiếm 59,9%. Theo kết quả phân loại của Liên minh HTX Hà Nội, số HTX hoạt động có hiệu quả đều tăng qua các năm. Điều này cho thấy sự điều chỉnh theo Luật HTX 2012 là hết sức đúng đắn và cần thiết. Bên cạnh sự tự thân vận động đổi mới, sáng tạo của các HTX, để có được kết quả này phải kể tới sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, cũng như hỗ trợ kịp thời của các sở, ban ngành TP. Trong vòng 3 năm qua, Liên minh HTX Hà Nội đã chủ động tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND TP ban hành nhiều chính sách liên quan tới phát triển kinh tế tập thể. Bên cạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012, Liên minh HTX TP còn chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cho trên 1.370 dự án vay vốn với tổng số tiền hơn 90 tỷ đồng. Đồng thời tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hàng ngàn cán bộ quản lý các HTX và triển khai hỗ trợ thành lập mới 55 HTX với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng. Liên minh HTX Hà Nội cũng đã thành lập 4 câu lạc bộ HTX nông nghiệp, thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và quỹ tín dụng Nhân dân, tạo điều kiện để các HTX trong cùng lĩnh vực hỗ trợ nhau nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Lợn được nuôi trong “chung cư mini” tại HTX Hoàng Long, huyện Thanh Oai. Ảnh: Trọng Tùng |
(Còn nữa)