Năm 2015 tiếp tục được TP chọn là “Năm trật tự và văn minh đô thị", trong đó tập trung vào lĩnh vực giao thông đô thị nhằm tạo chuyển biến về ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông. Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và những vấn đề đặt ra cho "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2015".
Sở Xây dựng là cơ quan thường trực của "Năm trật tự và văn minh đô thị", xin ông cho biết về những chuyển biến trong vấn đề này được ghi nhận trong năm 2014? - Trong cả 3 lĩnh vực đều đã có những chuyển biến tích cực. Trật tự mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường đã được cải thiện. Trật tự an toàn giao thông đã từng bước được đảm bảo, đường thông, hè thoáng hơn. Về xây dựng nếp sống văn minh đô thị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội cũng có những thay đổi tích cực. Có thể nói, không chỉ cơ quan quản lý mà mỗi người dân đều có thể nhận ra những thay đổi của đô thị. Biển quảng cáo rao vặt; biển hiệu, mái che, mái vẩy, bục bệ dắt xe… được dọn dẹp, sắp xếp dần. Đường phố phong quang, sạch đẹp hơn. Các đường dây, cáp đi nổi được ví là "rác trời" đã được xử lý. Hình ảnh được chúng tôi ghi nhận lại trước và sau khi tiến hành thanh thải, sắp xếp đường dây cho thấy một sự khác biệt rõ nét của các tuyến phố. Còn rất nhiều công việc khác đã và đang được triển khai để bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại, văn minh hơn như xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm; duy trì hệ thống chiếu sáng; tăng cường công tác vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, duy trì nhặt rác ngày trên các tuyến; phun rửa đường, vỉa hè các tuyến đường chính; bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đường thông, hè thoáng… Trong các công việc của "Năm trật tự và văn minh đô thị", có những công việc nhận được sự hưởng ứng toàn diện từ phía người dân. Tuy nhiên, yêu cầu của mưu sinh, những đòi hỏi của cuộc sống thường nhật, khiến cho công tác quản lý đô thị vấp phải không ít khó khăn, điển hình như câu chuyện xử lý chợ cóc, chợ tạm. Vậy làm thế nào để giảm thiểu hiện tượng "bắt cóc, bỏ đĩa", giải tỏa triệt để được chợ cóc, chợ tạm? - Trong năm 2014, TP đã tiến hành điều tra cơ bản, nắm bắt tình hình hoạt động của các tụ điểm chợ cóc, đã thực hiện giải tỏa 109 tụ điểm chợ cóc, chợ tạm lấn chiếm vỉa hè lòng đường. Trong đó, 60 điểm đã được giải tỏa triệt để, tiêu biểu là tụ điểm chợ cóc Cầu Lủ, giáp ranh giữa hai quận Thanh Xuân và Hoàng Mai. Cùng với đó đã thực hiện bố trí, sắp xếp chợ tạm duy trì 12 tụ điểm phục vụ dân sinh tại các khu vực chưa bố trí chợ, đây là các tụ điểm nằm trong các ngõ nhỏ, sân khu tập thể không ảnh hưởng trục đường giao thông chính, tuyến quốc lộ. Các điểm chợ này hoạt động vào những khung giờ cho phép, được phân cấp cho UBND xã, phường quản lý. Xóa chợ cóc chợ tạm là việc rất khó khăn bởi liên quan đến sinh hoạt hàng ngày và mưu sinh của người dân. Vì vậy việc xóa chợ cóc, chợ tạm phải gắn với việc sắp xếp, bố trí; có như vậy mới duy trì được hiệu quả, hạn chế tình trạng "bắt cóc, bỏ đĩa". Là cơ quan thường trực, Sở Xây dựng cũng đề xuất TP giao nhiệm vụ cho Sở Công Thương, trong năm 2015, cùng với việc đôn đốc, kiểm tra, giải tỏa các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm cần xem xét việc sắp xếp lại các điểm chợ dân sinh, tạm lập các chợ tại các vị trí chấp nhận được để bà con vẫn có thể buôn bán. Theo ông, sự chuyển biến trong ý thức có phải là then chốt quyết định đến sự thay đổi của đô thị và cụ thể hơn là sự thành công của "Năm trật tự và văn minh đô thị"? - Ý thức là vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc tạo ra sự thay đổi, biến chuyển về chất của trật tự, văn minh đô thị. Trong khi nhiều người dân đã có ý thức rất tốt từ trong việc tham gia giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử… thì vẫn còn một bộ phận thiếu ý thức, chưa thay đổi. Tiếp tục tuyên truyền, nhắc nhở là trách nhiệm của chính quyền địa phương nhưng theo tôi hiệu quả nhất vẫn là người dân tự nhắc nhở nhau. Những người có ý thức hãy nhắc nhở, góp ý với những người còn thiếu ý thức. Như vậy sẽ tạo ra sức lan tỏa về ý thức trong xã hội một cách tự nhiên và hiệu quả. Trong tuyên truyền, chính quyền cũng nên đặt ra vấn đề này bởi đa số người dân rất khó chịu với những hành vi thiếu ý thức nhưng để đứng ra nhắc nhở thì lại có phần e ngại.
Cùng với đó, việc thực hiện chế tài xử lý các vi phạm cũng rất quan trọng. Cơ chế để thực hiện đã có, tuy nhiên việc áp dụng các chế tài ở địa phương còn ít. Đội trật tự ở các phường cần duy trì việc nhắc nhở và xử phạt các trường hợp tái phạm trên các tuyến phố. Việc xử phạt hành chính với mức 500 nghìn đồng hay 1 triệu đồng là đủ để răn đe nhưng cái chính là phải thực hiện, áp dụng thật nghiêm chế tài. Thực tế khi dân ta ra nước ngoài, như đi du lịch Singapore chẳng hạn, hướng dẫn viên thường giao hẹn rất kỹ là không được vứt rác ra đường vì sẽ bị phạt rất nặng, thế là ai nấy đều lo lắng, nhắc nhở nhau, để không vi phạm. Nhìn từ những việc đã làm được trong năm 2014, ông kỳ vọng gì vào "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2015"? - Năm 2014, các cấp, các ngành đã vào cuộc, toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Chương trình được thực hiện theo hướng có kế hoạch, có phân công cụ thể. Nhiều quận, huyện đã thực hiện tốt, hiệu quả như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Hà Đông… Tại quận Long Biên đã dẹp sạch mái đua, mái vẩy. Thị trấn Đông Anh của huyện Đông Anh cũng đã hưởng ứng và thực hiện tốt Năm trật tự và văn minh đô thị. Tuy nhiên, bên cạnh những việc đã làm được còn có những vấn đề chưa được giải quyết. Về vệ sinh môi trường, điểm tập kết rác còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vấn đề này sẽ được tập trung giải quyết trong quý I/2015. Hay như lĩnh vực giao thông đô thị, việc chen lấn, đi không đúng làn đường vẫn xảy ra khá thường xuyên trên các tuyến phố. Tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn đang là vấn đề gây nhức nhối… Cũng chính vì thế mà Thành ủy đã yêu cầu "Năm trật tự và văn minh đô thị - 2015" phải tập trung vào lĩnh vực giao thông đô thị, tạo chuyển biến về ý thức, nhận thức của người tham gia giao thông. Tôi tin rằng năm 2015 sẽ có những chuyển biến tốt hơn, nhanh hơn. Vì năm 2014 là năm đầu tiên thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị" nên cũng phải đến đầu quý II mới có sự chuyển biến ở cấp phường, các cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý mới nhìn nhận rõ về trách nhiệm và cách thức triển khai công việc. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân cũng đã và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức. Tôi tin rằng, trong năm 2015, tinh thần của "Năm trật tự và văn minh đô thị" sẽ "đi vào" từng phố, từng ngõ, "gõ cửa" từng hộ dân. Xin cảm ơn ông!
Đưng phố phong quang sau thanh thải dây, cáp. Ảnh: Công Hùng |