Đi về đâu tương lai của khu vực đồng euro?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hai cuộc họp cấp cao trong tháng 10/2011 được mong đợi sẽ mang lại một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Song, hội nghị thứ nhất cuối tuần qua đã làm giới thị trường thất vọng, và "mọi chuyện" phải đợi đến kết quả của một cuộc họp cấp cao nữa.

Giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đang khẩn trương hoàn tất một "chiến lược toàn diện" nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực.

Cho dù đã đạt được một số tiến bộ nhất định tại Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, Bỉ hôm 23/10, nhưng các nhà lãnh đạo EU vẫn chưa thể đưa ra một quyết định cụ thể nào do chưa tìm được tiếng nói chung về các vấn đề then chốt, như phương thức tăng vốn cho quỹ giải cứu khu vực đồng euro (Eurozone).

Nếu những chia rẽ này không được giải quyết, Eurozone chắc chắn sẽ đối mặt nguy cơ sụp đổ sau 12 năm hình thành.

Hai cuộc họp cấp cao trong tháng 10/2011 được mong đợi sẽ mang lại một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu. Song, hội nghị thứ nhất cuối tuần qua đã làm giới thị trường thất vọng, và "mọi chuyện" phải đợi đến kết quả của một cuộc họp cấp cao nữa.

Chiến lược giải quyết khủng hoảng của châu Âu, gồm ba chương trình chủ lực là ổn định tình hình Hy Lạp, tái cấp vốn cho các ngân hàng khu vực và tăng cường quỹ cho Cơ chế Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF), đã được đưa ra thảo luận khá căng thẳng tại các cuộc đàm phán cấp cao ngày 23/10.

Hội nghị đã khai thông hai vấn đề phức tạp gây tranh cãi lâu nay bao gồm giảm bớt gánh nặng nợ cho Hy Lạp và đảm bảo các ngân hàng có đủ nguồn lực vượt qua những mất mát.

Dù không đưa ra con số cụ thể, song các nhà lãnh đạo EU đang thuyết phục các ngân hàng chấp nhận phần thiệt hại ít nhất 50% lượng trái phiếu mà họ nắm giữ của Athens.

EU cũng muốn các ngân hàng này tăng dự trữ vốn cốt lõi, ước lên tới 107-108 tỷ euro, nhằm đảm bảo những mất mát đó không đẩy họ vào tình trạng sa lầy.

Nhằm tránh nguy cơ khủng hoảng nợ công tái diễn, EU cam kết sẵn sàng thay đổi các hiệp ước của khối, tạo điều kiện pháp lý để Eurozone hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn, đồng thời siết chặt các biện pháp trừng phạt đối với những nước vi phạm các quy định của EU.

Tuy nhiên, các chi tiết của chiến lược giải cứu vẫn chưa được công bố, do những bất đồng sâu sắc về một số điểm then chốt, nhất là vấn đề tăng cường sức mạnh cho EFSF.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đề xuất tăng vốn cho EFSF bằng cách cho phép quỹ này có thể vay tiền không hạn chế từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhằm ứng phó với khủng hoảng. Song phương án này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía Đức, vì Berlin lo ngại biện pháp đó sẽ buộc ECB in thêm tiền và không thể bảo đảm sự ổn định của đồng euro.

Bên cạnh đó, biện pháp trên cũng sẽ tăng rủi ro cho Đức vì nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sẽ phải mất thêm các khoản tiền mà họ bảo lãnh. Đức cũng đề nghị thay vì cung cấp các khoản vay, EFSF sẽ trở thành một kiểu công ty bảo hiểm tín dụng, chịu trách nhiệm phần trăm nhất định của các trái phiếu chính phủ mà các nước mắc nợ bán trên thị trường. Nhưng biện pháp của Đức sẽ làm tăng khoản cứu trợ của EFSF lên tới hàng nghìn tỷ euro.

Tình hình Hy Lạp đã diễn biến xấu đến mức chỉ riêng giải cứu thành viên này, EU sẽ phải cần tới 611 tỷ USD, tức sẽ "ngốn" hết ngân sách của EFSF, trong khi quỹ này sắp tới còn phải lo cho Bồ Đào Nha, Ireland và có thể cả Tây Ban Nha.

Với nền kinh tế trong nước trì trệ và lãi suất trái phiếu tăng cao, các thành viên như Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đang có nguy cơ không gánh nổi món nợ của chính mình. Chìa tay cứu Hy Lạp đồng nghĩa với việc họ sẽ bị cuốn theo xuống vực thẳm.

Ngay cả Pháp cũng đang có nguy cơ bị đánh tụt hạng tín dụng do nợ công tăng cao và các ngân hàng thương mại lún quá sâu vào cuộc khủng hoảng khu vực. Đó là lý do tại sao Pháp khăng khăng muốn ECB phải gánh trách nhiệm chính trong việc giải cứu Hy Lạp. Nhưng Đức không đồng ý, với lý do hiến pháp trong nước không cho phép.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận "mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ" sau hội nghị ngày 23/10, song cho biết vẫn còn hai phương án đang được đàm phán nhằm tăng vốn cho EFSF.

Phương án thứ nhất là cho phép FESF có khả năng đứng ra bảo lãnh một phần nợ của các nước bị coi là có nhiều rủi ro. Cụ thể là một phần trái phiếu mà các nuớc đó phát hành sẽ được FESF bảo lãnh, nhờ vậy mới khuyến khích được các nhà đầu tư mua trái phiếu. Đức ủng hộ phương án này, và dường như đã có được sự chấp nhận của Pháp, mặc dù ban đầu Paris tỏ ra dè dặt.

Phương án thứ hai là thành lập một quỹ đặc biệt để tiếp nhận sự đóng góp của các nhà đầu tư bên ngoài châu Âu. Tuy nhiên, cả hai phương cách không liên quan đến ECB, trong khi Chủ tịch EU Herman Van Rompuy cho rằng, sự can dự của ECB không thể hoàn toàn bị bỏ qua. Còn vấn đề thu hút vốn từ các nước bên ngoài châu Âu, nhất là nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), cũng đang gây tranh cãi trong các nước Eurozne.

Bên cạnh đó, để góp phần vào chiến lược giải quyết khủng hoảng, giới lãnh đạo EU kêu gọi các nước viên Eurozone phải đưa ra một kế hoạch giảm chi ngân sách như đã cam kết trước đó. Tuy nhiên, các thông tin mới nhất cho hay, tại cuộc họp nội các khẩn cấp để xem xét các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" mới, Chính phủ Italy đã không đạt được thỏa thuận về cải cách hưu trí.

Trong khi đó, vấn đề nợ công của Eurozone cũng đang gây ra "tình cảm khó chịu" trong những thành viên không thuộc liên minh tiền tệ này, đứng đầu là Anh.

Các quốc gia ngoài Eurozone bắt đầu tỏ vẻ bất bình, vì thấy rằng các nước khu vực euro ngày càng có xu hướng họp riêng với nhau và ra các quyết định quan trọng mà không tham khảo ý kiến của họ.

Thái độ đó phản ánh một thực tế là nguy cơ EU đang mất dần thực chất, biến châu Âu với hai vận tốc, một bên là khối euro, mà khủng hoảng nợ công buộc phải liên kết chặt chẽ hơn nữa, và bên kia là những nước nằm ngoài khối euro.

Nếu như những rạn nứt trên không được giải quyết nhằm đem lại một giải pháp toàn diện, kèm theo các kế hoạch thực hiện cải cách đã cam kết của các nước Eurozone, không biết tương lai của liên minh tiền tệ này sẽ đi về đâu?.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần