Dịch COVID-19: Ca nhiễm mới tại châu Âu lên hơn 44.000, số người tử vong ở Tây Ban Nha tăng gấp đôi

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều quốc gia châu Âu đang oằn mình chống dịch, sau Italy thì Tây Ban Nha là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 2 bởi dịch COVID-19.

Trong vòng 24 giờ qua, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục bùng phát mạnh tại nhiều nước bên ngoài Trung Quốc đại lục. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận hiện đã có 157 quốc gia và vùng lãnh thổ có người mắc bệnh COVID-19.
Số người nhiễm dịch Covid-19 tại Tây Ban Nha tăng lên gần 8.000 tính đến ngày 15/3.
Tính đến 6 giờ sáng 16/3, thế giới đã có 169.175 người mắc virus SARS-19 và 6.500 ca tử vong. 15/3 trở thành một trong những ngày ghi nhận số ca tử vong cao nhất kể từ đầu dịch bệnh với 667 người thiệt mạng.
Số ca mắc virus SARS-CoV-2 tại châu Âu lên hơn 44.400
Tại châu Âu, nhiều quốc gia đang oằn mình chống dịch, sau Italia thì Tây Ban Nha là quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng thứ 2 bởi dịch Covid-19.
Giới chức nước này cho biết, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã chứng kiến số người tử vong tăng gấp đôi trong vòng 24 giờ qua lên tổng số 288 ca. Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết, tổng số trường hợp được xác nhận nhiễm dịch Covid-19 tăng từ 5.700 lên 7.753 người, trong đó một nửa số ca nhiễm mới tập trung ở thủ đô Madrid.
Các trường hợp nhiễm dịch Covid-19 ở Tây Ban Nha đưa tổng số ca mắc virus SARS-CoV-2 trên khắp châu Âu lên hơn 44.400, tính đến trưa 15/3.
Trước đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez hôm 15/3 đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong 15 ngày để đối phó với dịch Covid-19, trong đó có biện pháp cấm mọi người rời khỏi nhà trừ trường hợp đi làm, khám chữa bệnh, mua thuốc hoặc mua nhu yếu phẩm.
Trong khi đó, Đức cũng lần lượt ghi nhận số ca nhiễm mới tăng mạnh. Quốc gia này đã ghi nhận thêm 2 ca tử vong, 1.214 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, nâng tổng số lên 11 người thiệt mạng và 5.813 ca bệnh.
Đức đóng cửa biên giới với nhiều nước trong khu vực
Chính phủ Đức đã quyết định đóng cửa biên giới với các nước Áo, Pháp, Thụy Sĩ, Đan Mạch và Luxemburg trong nỗ lực hạn chế tình trạng lây nhiễm khi số ca lây nhiễm liên tục tăng theo cấp số nhân.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, Bộ trưởng Nội vụ Horst Seehofer và thủ hiến 4 bang của Đức đã điện đàm và nhất trí đóng cửa biên giới với 5 nước láng giềng phía Tây Nam bắt đầu từ 8h sáng ngày 16/3 theo giờ Đức.
Đức đóng cửa một phần biên giới để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan.
Các bên nhất trí siết chặt kiểm soát vùng biên giới và đưa trả lại các trường hợp ra ngoài biên giới Đức, ngoại trừ việc vận chuyển hàng hóa vẫn đảm bảo lưu thông. Cả Đức và 5 nước láng giềng đều nằm trong khối Schengen - khu vực đi lại tự do tại châu Âu.
Hiện các trường học ở 16 bang của Đức đều đã đóng cửa, trong khi đa số các quán bar, nhà hàng, vũ trường và các cơ sở công đều đã bị đóng cửa.
Ngày 15/3, nước Pháp ghi nhận thêm hơn 900 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, với hơn 30 người tử vong chỉ trong vòng 24 giờ.
Theo số liệu được Cơ quan Y tế quốc gia Pháp công bố, tính đến chiều 15/3, nước Pháp xác định 5.423 ca dương tính với virus SARS -CoV-2 thông qua xét nghiệm, với 127 ca tử vong. Đây tiếp tục là một kỷ lục mới của nước Pháp kể từ đầu mùa dịch, với hơn 900 ca nhiễm mới và 36 ca tử vong chỉ trong 24 giờ.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chính phủ Pháp tiếp tục tăng cường các biện pháp đối phó. Từ ngày 15/3, Pháp đã đóng cửa hầu hết các địa điểm đón tiếp công chúng nhưng không tuyệt đối cần thiết như các nhà hàng, quán cà phê, quán ba, vũ trường, rạp chiếu phim và các cửa hàng thương mại. Lệnh cấm tương tự cũng áp dụng cho các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp kể từ ngày 15/3.
Mặc dù giao thông công cộng vẫn được phép diễn ra để không làm ngưng trệ cuộc sống của người dân nhưng nước Pháp cũng buộc phải hạn chế dần việc đi lại của người dân bằng các phương tiện này.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 15/3, bà Elisabeth Borne, Bộ trưởng Bộ chuyển tiếp sinh thái và đoàn kết Pháp, phụ trách lĩnh vực giao thông vận tải, cho biết, không có chuyện nước Pháp dừng toàn bộ và đột ngột các loại hình giao thông công cộng. Tuy nhiên, việc đi lại bằng tàu điện, xe buýt và máy bay sẽ bị hạn chế dần, đặc biệt là các tuyến tàu cao tốc và tàu đường dài.
Lĩnh vực tư pháp cũng bắt đầu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cùng ngày, Bộ trưởng Tư Pháp, bà Nicole Belloubet, cho biết, kể từ ngày 16/3, các tòa án tại Pháp cũng sẽ đóng cửa, trừ các phiên xét xử đặc biệt quan trọng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần