Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đích đã có, ai sẽ dẫn đường?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một sự kiện có ý nghĩa bước ngoặt đối với bóng đá Việt Nam. Nhưng có một vấn đề là ai sẽ đảm nhiệm sứ mệnh thực hiện những cái đích đã được đặt ra?

 Những cái đích lớn

Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đặt ra một lộ trình dài hơi với những cái đích cụ thể. Đó là bóng đá nữ phải lọt vào tốp 6 châu Á vào năm 2020. Bóng đá nam phải đứng trong tốp 15 châu Á năm 2020 và tốp 10 châu Á năm 2030. Bên cạnh đó, chiến lược đặt chỉ tiêu ĐTQG nam và U23 nam đoạt chức vô địch Đông Nam Á hoặc SEA Games (từ 1 - 2 lần).

Ngoài ra, chiến lược cũng đề cập đến việc hoàn thiện hệ thống thi đấu từ chuyên nghiệp đến các giải trẻ; hoàn thiện, phát triển các liên đoàn bóng đá địa phương. Giai đoạn 2021 - 2030, VFF vững mạnh về tổ chức, tự chủ về kinh phí, đảm nhiệm hầu hết các hoạt động bóng đá. Bóng đá học đường, bóng đá phong trào, các lớp năng khiếu cũng phải được hoàn thiện, phát triển để trở thành "chân đế" tốt cho một nền bóng đá chuyên nghiệp. VFF đã đưa ra chỉ tiêu có 12.000 CLB bóng đá phong trào vào năm 2030.

Đích đã có, ai sẽ dẫn đường? - Ảnh 1

Cần những cơ chế phù hợp để hoàn thành mục tiêu phát triển bóng đá Việt Nam từ nay đến 2030

 

Bên cạnh đó, bóng đá Việt Nam phải triển khai các kế hoạch chuẩn bị lực lượng cho các đội tuyển bóng đá tham dự thi đấu vòng loại các kỳ World Cup và các giải bóng đá quốc tế quan trọng. Cử các đội tuyển lứa tuổi trẻ (14 - 18 tuổi) đi đào tạo dài hạn (tối thiểu 2 năm) ở nước ngoài…

Cần có cơ chế thực hiện

Rõ ràng, chiến lược phát triển bóng đá đã đề ra những mục tiêu vừa cụ thể, vừa dài hơi. Nếu thực hiện thành công chiến lược này, bóng đá Việt Nam sẽ có cho mình nền tảng tốt để phát triển.

Nhưng, vấn đề đặt ra lúc này là cơ chế để thực hiện chiến lược đầy tham vọng cũng như cơ quan điều hành, tổ chức thực hiện bản chiến lược. Theo Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn, "VFF sẽ là đơn vị thực hiện bản đề án này. Tuy nhiên, chúng tôi cần có một cơ chế đủ mạnh và bao quát để thực hiện những dự án lớn lao".

Cũng theo ông Viễn, kinh phí thực hiện chiến lược chưa được thông qua và đây sẽ là bài toán cần sớm tìm được lời giải. Bởi, sẽ không thể thực hiện các đề án trong bản chiến lược nếu thiếu tài chính. Bản thân VFF cũng chưa biết tìm đâu ra nguồn để hiện thực hóa những tham vọng của mình.

Một vấn đề khác đang được cho là nằm ngoài tầm kiểm soát của VFF trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển bóng đá, đó là phát triển bóng đá phong trào và học đường. VFF không thể có tiếng nói quyết định với các trường học, cũng như các địa phương. Vì thế, họ rất cần sự phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như các địa phương. Ai sẽ là người điều phối, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế tài chính để thực thi những kế hoạch phát triển bóng đá học đường hiện vẫn là bài toán khó.

Thế nên, dư luận và bản thân lãnh đạo VFF cũng thừa nhận rằng, để thực hiện chiến lược phát triển bóng đá thì rất cần một bộ phận điều phối đủ mạnh để tìm sự thống nhất, phối hợp giữa các ban, ngành. VFF rất cần sự ủng hộ Chính phủ trong việc triển khai chiến lược phát triển bóng đá. Nhưng, để có được sự ủng hộ, hơn ai hết, chính VFF phải tự vận động để tìm cho mình một cơ chế thuận lợi nhằm thực hiện chiến lược dài hơi cho bóng đá nước nhà.