Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đích đến chiến lược mới của Trung - Mỹ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Giữa lúc châu Âu và một phần của nước Mỹ đang run rẩy trong những trận bão tuyết bất thường cuối đông, việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du một loạt các quốc gia châu Phi và Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc gặp với lãnh đạo 4 quốc gia thuộc lục địa đen cho thấy dầu mỏ vẫn là yếu tố chi phối các mối quan hệ ngoại giao chiến lược.

Chuyện Trung - Mỹ cạnh tranh tầm ảnh hưởng tại các khu vực trên thế giới không còn quá mới mẻ nhưng việc đưa châu Phi trở thành trọng tâm cạnh tranh mới trong giai đoạn hiện nay lại cho thấy những khía cạnh rất khác. Đối với Mỹ, việc hạn chế tối đa những tổn thương từ nguồn cung và cơn sốc giá dầu là một vấn đề an ninh quốc gia, còn Trung Quốc thì đó là chất xúc tác quan trọng hàng đầu với nền kinh tế đang "khát" dầu. Vì thế, tuy sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu nhập khẩu đã giảm dần sau khi đạt đỉnh vào năm 2005, nhưng Washington vẫn rất dễ bị tổn thương trước sự gián đoạn nguồn cung và cơn sốc giá dầu. Dù nguồn dầu nhập khẩu chủ yếu của Mỹ là đến từ Tây bán cầu nhưng nền kinh tế thế giới vẫn phải mua một lượng lớn nguồn "vàng đen" từ châu Phi và các nước khu vực Vịnh Ba Tư.
 
Đích đến chiến lược mới của Trung - Mỹ - Ảnh 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Tanzania
 
Giữa lúc lệnh cấm vận nhằm trừng phạt chương trình hạt nhân của Iran đã hạn chế một lượng cung khá lớn, Washington không có cách nào khác là phải tăng cường hợp tác với các nước châu Phi nhằm hạn chế tối đa những tổn thương do thiếu dầu gây ra. Vì thế, không ngạc nhiên khi Tổng thống Obama hôm 28/3 đã dành hẳn một buổi làm việc kéo dài với ba người đồng cấp của Sierra Leone, Senegal, Malawi và Thủ tướng Cape Verde trong đó khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các quốc gia này. Ngoài việc khuyến khích tự do thương mại, tăng cường sự hiện diện quân sự bằng việc giành quyền lập căn cứ và tiếp cận sân bay, xây dựng các cơ sở cảng biển... tại châu Phi để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tập đoàn dầu mỏ lớn thâm nhập vào khu vực này.

Tuy nhiên, chuyến thăm của tân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới một loạt nước châu Phi cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gây sức ép lên Mỹ trong cuộc chiến gia tăng sự hiện diện tại châu Phi. Thông qua các cam kết viện trợ tài chính vô điều kiện và dòng hàng hóa giá rẻ ồ ạt đổ vào các nước châu Phi, Trung Quốc không chỉ giành được sự trung thành của các chính phủ châu Phi mà còn cả những hợp đồng khai thác dầu béo bở. Thực ra, Bắc Kinh không hề muốn gia tăng ảnh hưởng tại một khu vực quá xa xôi như châu Phi. Nhưng từ những năm 1960, nhằm thực hiện tham vọng trở thành một cường quốc lớn, Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện chiến lược đầu tư cả về vũ khí lẫn tiền bạc tại đây. Ngoài ra, để duy trì mức tăng trưởng cao của nền kinh tế đã phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ, Bắc Kinh phải tìm kiếm các nguồn cung mới, trong đó đích đến không thể thiếu là châu Phi.

Dù lục địa đen chưa phải là giải pháp thay thế an toàn nhất cho nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông do năng lực sản xuất, trữ lượng dầu mỏ hạn chế hơn, môi trường chính trị tiềm ẩn nhiều bất ổn... nhưng sự cạnh tranh hiện nay giữa Trung - Mỹ hoàn toàn có thể biến thành một sự đối đầu theo hướng gay gắt hơn. Khi đó, chiến lược quân sự hóa một phần khu vực châu Phi mà Bắc Kinh - Washington đã, đang thực hiện hoàn toàn có thể gây ra những tác động ngược lại.