Dịch sởi tại một số nước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện các nước khu vực Tây Thái Bình Dương cũng đang xuất hiện dịch sởi, như Trung Quốc, Lào, Philippines, Australia, Nhật.

Bộ Y tế Philippines cho biết, tổng cộng 3.734 ca được xác định mắc bệnh sởi trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến 22/2/2014, trong đó có 23 ca tử vong do các biến chứng như viêm phổi do virus gây ra.

Theo báo mạng Inquirer, có tới 1.792 ca mắc sởi được phát hiện ở khu vực thủ đô Manila, 820 ca ở Calabarzon và 386 ca đến từ miền trung Luzon.

Các bệnh nhân mắc sởi nằm trong đội tuổi từ một tháng đến 35 tuổi.

Giới chức y tế Philippines cho hay lý do dịch sởi bùng phát mạnh ở nước này là vì các chiến dịch tiêm chủng trước đó không đến được tất cả mọi người. Chỉ 21% số những người mắc sởi từng được tiêm vaccine phòng bệnh. 

Tại Singapore, đến ngày 5/4, nước này xác nhận đã có 80 người ở nước này mắc sởi, trong đó có 23 người từng đến Philippines. Trong số 49 ca mắc bệnh nội địa, có một nửa là trẻ em không tiêm vaccine.

Theo Bộ Y tế nước này, hầu hết người Singapore có khả năng miễn dịch tốt nhờ tiêm chủng nên nguy cơ bùng phát dịch là rất thấp. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn yêu cầu các bậc cha mẹ đưa con đi tiêm phòng. Các cá nhân từng đến Philippines hoặc sắp từ Philippines về nước cũng được khuyến cáo tiêm vaccine. 

Tại các nước khu vực Tây Thái Bình Dương, năm 2013 đã ghi nhận 30.910 trường hợp mắc sởi, tăng gần 3 lần so với 2012. Riêng trong 2 tháng đầu năm nay đã có gần 11.140 trường hợp mắc sởi. Các nước có số trường hợp mắc gia tăng trong 2 tháng năm nay là Trung Quốc với hơn 6.100 trường hợp mắc, trong đó có ca 2 tử vong; Philippines 3.734 trường hợp mắc; Nhật Bản với gần 120 trường hợp mắc và Singapore.

Là loại virus phát tán trong không khí qua đường hô hấp, ho hoặc hắt hơi, sởi là căn bệnh có thể lây lan rất nhanh chóng trong cộng đồng. Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trong thực tế sởi dễ lây lan đến mức 90% những người chưa được tiêm chủng tiếp xúc với virus này sẽ bị lây nhiễm.

Nghiên cứu mới về thuốc chữa sởi

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Georgia, Mỹ và Viện Paul-Ehrlich ở Langen, Đức đã tạo ra một loại thuốc uống có tên gọi ERDRP-0519 có thể ngăn chặn được virus sởi lây lan trên loài chồn sương.

Theo các nhà nghiên cứu, họ hy vọng loại thuốc này sẽ sớm được sử dụng kết hợp với chương trình tiêm chủng mở rộng trên toàn cầu để có thể loại bỏ hoàn toàn virus sởi.

Người phụ trách nhóm nghiên cứu Richard Plemper tại Đại học Bang Georgia cho biết: “Loại thuốc của chúng tôi không phải là một giải pháp thay thế tiêm chủng, tuy nhiên việc kết hợp nó với tiêm chủng có thể tạo ra hiệu ứng cộng hưởng để dập tắt và loại trừ dịch sởi ra khỏi những cộng đồng thực hiện tốt chương trình tiêm chủng”.

Loại thuốc ERDRP-0519 này có thể tấn công và loại trừ enzim polymerase, một loại enzim mà virus sởi cần để nhân bản và phát triển. Khi enzim này bị loại trừ, virus sẽ không thể tổng hợp được các protein mới và không lan tỏa ra khắp cơ thể..

Giống như nhiều loại virus gây bệnh khác, sởi có thời gian ủ bệnh khoảng hai tuần trước khi các triệu chứng bộc lộ rõ ràng và các nhà nghiên cứu coi đây là thời gian vàng mà loại thuốc của họ có thể phát huy hiệu quả.
"Một người bước vào căn phòng có một người mắc sởi vừa ra khỏi đó vẫn có thể nhiễm bệnh, vì virus sởi có thể tồn tại đến hai giờ bên ngoài chủ thể", bác sĩ Eric Tayag, phát ngôn viên Bộ Y tế Philippines.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần