Dịch vụ đặt phòng Airbnb: Hệ lụy do bất cập từ chính sách

Bài, ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong quá trình vận hành dịch vụ Airbnb - hệ thống đặt phòng trực tuyến kết nối giữa người cần thuê phòng với người có phòng cho thuê trên toàn thế giới thông qua ứng dụng di động và website đã phát sinh một số xung đột do Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 chưa có khung pháp luật để điều chỉnh hoạt động kinh doanh cho thuê này.

Phát sinh xung đột lợi ích

Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu, dịch vụ Airbnb được sử dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, khi du nhập vào Việt Nam có tác động tích cực đến việc thu hút khách du lịch quốc tế và trong nước, nhất là đối tượng thu nhập trung bình, muốn tiết kiệm chi phí lưu trú. Sử dụng dịch vụ này, bên cho thuê và bên thuê giao dịch, nhận nhà, trả nhà thuê, thanh toán tiền thuê nhà đều qua mạng, không cần phải gặp trực tiếp.
 Một phòng Airbnb tại Hà Nội.
Tuy nhiên, do chưa đầy đủ quy định pháp luật để quản lý, điều chỉnh hoạt động kinh doanh dẫn đến nhiều hệ quả tiêu cực như thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, thậm chí có những trường hợp thuê để hoạt động tội phạm như sử dụng ma túy, đánh bạc. “Ngoài ra, khi vận hành, đã phát sinh xung đột lợi ích giữa người cho thuê căn hộ nhà chung cư sử dụng dịch vụ Airbnb với cư dân, do nhiều người thuê nhà lạ mặt đến cư ngụ, gây tâm lý bất an và ảnh hưởng đến không gian riêng tư của các hộ gia đình trong chung cư” – ông Lê Hoàng Châu cho hay.

Trong khi đó, những quy định trong Luật cũng chưa rõ ràng để làm căn cứ quản lý, đơn cử tại Điều 10 Luật Nhà ở 2014 quy định quyền của chủ sở hữu nhà ở được cho thuê nhà, Điều 121 quy định bên cho thuê nhà và bên thuê nhà được thỏa thuận về thời hạn cho thuê, nghĩa là bao gồm cả trường hợp cho thuê ngắn hạn. Nhưng tại Khoản 11 Điều 6 Luật Nhà ở 2014 quy định “cấm sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”. Theo đánh giá, quy định này đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu căn hộ chung cư, nên Nhà nước cần xem xét sửa đổi cho phù hợp với thực tế cuộc sống.

Kinh nghiệm từ quốc tế

Ông Lê Xuân Vinh – Hiệp hội Khách sạn phố cổ Hà Nội cho biết, mô hình kinh doanh Airbnb hoạt động theo hình thức chia sẻ căn hộ thuê, người kinh doanh chỉ cần nộp phí môn bài. Nhưng ở các nước trên thế giới, nếu muốn kinh doanh thì phải đăng ký kinh doanh, có mã số thuế và nộp thuế đầy đủ. Người cho thuê nhà chỉ được cho thuê trong một khoảng thời gian nhất định trong năm, theo thỏa thuận với chính quyền địa phương hoặc với cư dân. “Ở Việt Nam, thách thức lớn nhất đối với cá nhân, DN tham gia kinh doanh Airbnb là vấn đề liên quan đến pháp lý, cần phải rõ ràng về vấn đề này để tạo dựng hoạt động kinh doanh bền vững” – ông Lê Xuân Vinh nhìn nhận.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho rằng, để mô hình kinh doanh Airbnb được hoạt động hiệu quả và đảm bảo những quy định của pháp luật thì cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 công nhận hoạt động cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn (theo giờ, buổi, ngày, vài ngày hoặc 1 - 2 tuần…) là hoạt động kinh doanh hợp pháp. “Cùng với đó, yêu cầu người cho thuê nhà, cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn phải đăng ký kinh doanh, nộp thuế theo quy định pháp luật; xem xét phương án quy định người cho thuê căn hộ nhà chung cư ngắn hạn, có nghĩa vụ đóng góp bổ sung kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư” – ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần