Dịch vụ đòi nợ thuê sẽ chấm dứt hoạt động: Tránh để phát sinh biến tướng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 1/1/2021, khi Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực, các công ty có chức năng đòi nợ thuê sẽ chấm dứt hoạt động, bởi theo quy định của Luật, “đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ" nằm ở danh mục ngành nghề cấm. Đây là thông tin đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận, do thực tiễn thời gian qua, những biến tướng của hoạt động kinh doanh này đã gây bất ổn không ít cho xã hội.

 Ảnh minh họa
Tại cuộc họp báo vừa qua, lãnh đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã báo cáo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an, sẽ có hướng dẫn thực hiện phối hợp các sở, ngành thu hồi giấy phép đối với các công ty đòi nợ thuê và đề nghị giải tán, không để núp bóng hoạt động gây mất an ninh trật tự. Đây là những động thái tích cực để đưa quy định của Luật vào cuộc sống.

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, có trên 200 DN đã được cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, tập trung nhiều ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, quá trình kinh doanh, nhiều DN đã không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như quy định của pháp luật, dẫn đến phát sinh nhiều hệ lụy tiêu cực đối với xã hội. Thực tế, nhiều nơi đã biến tướng hình thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”… Cũng bởi có liên hệ với cho vay nặng lãi, là kinh doanh bạo lực, sự "nhờ vả" bạo lực để đòi nợ dẫn đến không ít những vụ việc gây ồn ào dư luận thời gian qua. Để đòi tiền, các tổ chức kinh doanh đòi nợ thậm chí không từ thủ đoạn khủng bố tinh thần người nợ cũng như người nhà. Thậm chí, người quen, bạn bè của người nợ cũng bị gọi điện thoại ngày đêm kèm những lời đe nẹt, chửi bới và rất nhiều những hành động đáng sợ khác… Có thể không phải tất cả, nhưng kể cả các công ty kinh doanh đòi nợ được cấp phép cũng đang có biến tướng phức tạp, gây bất an cho xã hội, khó khăn trong quản lý an ninh trật tự.

Bởi vậy, khi Luật được thông qua với quy định cấm kinh doanh loại hình này được sự đồng thuận rất lớn của cơ quan quản lý Nhà nước và người dân. Tuy nhiên, điều người dân cũng như các cơ quan quản lý lo ngại là ngay cả khi Luật có hiệu lực, dịch vụ đòi nợ thuê sẽ không mất đi mà có thể biến tướng sang một dạng khác. Bởi thế, đúng như nhiều ý kiến phân tích, không chỉ đơn giản cấm là có thể giải quyết ngay được những tồn tại, bất cập của hoạt động đòi nợ trong thời gian qua. Khi thực tế xã hội phát sinh nhu cầu đòi nợ thuê, có cầu ắt có cung, khi ấy liệu trong xã hội có xuất hiện hoạt động lén lút, trá hình, dịch vụ “chui”, khó quản lý… đây cũng là vấn đề cần lưu ý.

Do đó, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một việc cần thiết để tránh những biến tướng nhưng để có thể đạt được đúng như mong muốn, hy vọng các cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp hữu hiệu thực sự để quản lý triệt để. Đồng thời, có quy định chặt chẽ, ràng buộc hơn, quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc kiểm soát vấn đề này. Cùng với đó, để hướng đến phương thức đòi nợ văn minh hơn thông qua tòa án, trọng tài kinh tế, lập dự phòng mua bán nợ… như pháp luật đang quy định, cũng cần nâng cao hiệu quả của các cách thức xử lý nợ này. Trong đó, có cả việc giảm thủ tục hành chính, tránh những rườm rà không cần thiết, để nâng hiệu quả xử lý. Có lẽ, khi giải quyết tốt các nhu cầu của thực tiễn, quy định cấm mới thực sự phát huy tác dụng triệt để, không còn những hệ lụy phát sinh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần