Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm chuẩn vào đại học: Tương đương năm ngoái?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày mai (20/7) là hạn cuối các cụm thi gửi kết quả thi THPT quốc gia 2016 về Bộ GD&ĐT. Thông tin ban đầu cho thấy không có nhiều điểm tuyệt đối và ít điểm liệt, tuy nhiên các chuyên gia giáo dục cho rằng điểm chuẩn trúng tuyển đại học (ĐH) có thể giảm hơn năm trước.

Khó dự đoán điểm trúng tuyển

Chưa khẳng định được điểm trúng tuyển ĐH năm nay cao hay thấp, song PGS.TS Lê Hữu Lập - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, nếu là tổ hợp điểm 3 môn, môn nào cũng tập trung vào 5 điểm, đồng nghĩa số thí sinh (TS) tương đối nhiều. Ví dụ có 50% trong tổng số gần 1 triệu TS thi THPT quốc gia thì biết điểm trúng tuyển là 15. Còn nếu điểm dồn lên cao, tức là các môn đều đi vào hướng trên trung bình thì tổ hợp điểm trúng tuyển là 18, 21, 23. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng phân tích: Đề thi phân hóa cao hơn năm trước, số bài thi có điểm tuyệt đối không nhiều như mọi năm. Phương thức đăng ký xét tuyển lại có thay đổi, yêu cầu TS thực hiện qua mạng, đã nộp hồ sơ không được rút ra và phụ thuộc vào tâm lý TS, nên rất khó dự đoán điểm trúng tuyển.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016 tại Đại học GTVT Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016 tại Đại học GTVT Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Tuy vậy, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội dự đoán điểm chuẩn các ngành của trường tương đương nhau, nhưng không có nghĩa là giống năm trước. Vì thế, tại thời điểm này, TS có thể vào website của trường là kênh thông tin chính thống để tham khảo toàn cảnh điểm thi năm trước, từ đó có quyết định cho mình.  PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Thủy lợi thì cho rằng, phổ điểm thi năm nay vẫn như năm trước, cho nên điểm trúng tuyển của các ngành xấp xỉ như năm 2015. Trong khi đó, về chủ quan, Ths. Lê Việt Anh - Phó Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Ngoại thương dự báo điểm chuẩn vào trường thấp hơn năm trước 0,5 - 1 điểm nếu cùng phương thức xét tuyển. Nhưng năm nay trường có thay đổi phương thức, xét tuyển theo nhóm GX nên sau khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm thi mới có thể khẳng định.

Ngành thương hiệu hút thí sinh

Tuy chưa xác định được điểm trúng tuyển các ngành, nhưng các chuyên gia có kinh nghiệm trong tuyển sinh đều nhận ra: Hàng chục năm nay, những ngành có điểm trúng tuyển cao vẫn giữ độ “hot”. Bản thân các trường đều biết ngành nào mạnh, ngành nào sẽ có điểm cao. PGS Lê Hữu Lập ví dụ: ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông luôn "đắt hàng" ngành kỹ thuật, chắc chắn điểm những ngành đó sẽ cao hơn. Những trường như Ngoại thương, Kinh tế quốc dân thì có các ngành kinh tế dẫn đầu...

Chia sẻ về ngành sẽ có điểm cao của ĐH Ngoại thương, ông Lê Việt Anh cho biết: “Ngành Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại sẽ có nhiều TS đăng ký, vì ngành có tiếng làm nên thương hiệu của ĐH Ngoại thương từ xưa đến nay, sinh viên ra trường đều tìm được việc làm tốt, thành công sau một thời gian ra trường”. Tuy nhiên, cũng còn trường hợp nhiều TS suy nghĩ chỉ cần trúng tuyển vào ĐH Ngoại thương, rồi sau đó học thêm ngành mình thích. Điều này khiến khả năng ngành không hot sẽ có nhiều TS đăng ký vì nghĩ dễ trúng tuyển, làm điểm chuẩn tuyển tăng lên. ĐH Thủy lợi dự kiến những ngành nhiều TS đăng ký và điểm chuẩn cao là Công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện, điện tử; Kỹ thuật cơ khí, Kế toán, Kỹ thuật công trình xây dựng. Thấp điểm hơn là Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật công trình thủy, Kỹ thuật tài nguyên nước, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng, Cấp thoát nước.

Cũng có trường căn cứ vào nhu cầu nhân lực của xã hội, xu hướng TS để dự đoán ngành thu hút nhiều TS. Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội Hoàng Xuân Hiệp dự đoán ngành Công nghệ may sẽ có điểm cao hơn ngành Công nghệ sợi dệt và Quản lý công nghiệp tới 2 điểm. “Chúng tôi căn cứ vào lượng hồ sơ học bạ THPT của TS đã nộp về trường và nhu cầu nhân lực của ngành Công nghệ dệt may đang rất cao. Dự báo 10 năm nữa, nhu cầu của xã hội vẫn cần nhiều nhân lực của ngành này" - ông Hiệp phân tích.
Công bố kết quả thi theo 2 phương thức

Sáng 18/7, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cụm thi THPT quốc gia sau khi đối sánh dữ liệu kết quả thi, công bố kết quả đồng thời theo 2 phương thức: Mở trang tra cứu thông tin điện tử của cụm thi cho TS truy cập bằng số báo danh, mã xác thực để xem kết quả thi cá nhân (như năm 2015); Công bố danh sách kết quả thi của toàn bộ TS thuộc cụm thi chủ trì bao gồm số báo danh, họ, tên và kết quả các môn thi trên trang thông tin điện tử của cụm thi. Ngoài ra, các sở GD&ĐT có thể tải dữ liệu kết quả thi từ hệ thống, chuyển cho các điểm tiếp nhận đăng ký dự thi để in và dán thông báo cho TS biết.

Điều chỉnh thời gian xét tuyển sinh

Để tạo điều kiện cho TS, đặc biệt là TS vùng khó khăn, sáng 18/7, Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc các ĐH, học viện và hiệu trưởng các trường ĐH và CĐ điều chỉnh lịch xét tuyển ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016. Theo đó, các trường công bố kết quả trúng tuyển xét tuyển đợt 1 trước 14/8, TS nộp Giấy chứng nhận kết quả thi đến hết ngày 19/8. Đối với xét tuyển bổ sung đợt 1, các trường công bố kết quả trúng tuyển trước 4/9, TS nộp Giấy chứng nhận kết quả thi đến hết 9/9. Xét tuyển bổ sung đợt 2, các trường công bố kết quả trúng tuyển trước 23/9, TS nộp Giấy chứng nhận kết quả thi đến hết 28/9. Thời gian TS nộp Giấy chứng nhận kết quả thi được tính theo dấu bưu điện nếu nộp bằng thư chuyển phát nhanh.