Thế nên, đã từ lâu, cầu Đuống trở thành nỗi ám ảnh về các tai nạn giao thông (TNGT) đối với phương tiện vận tải thủy, đặc biệt trong mùa bão lũ. Nhiều tai nạn đáng tiếc Sông Đuống là tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Tuyến sông này có mật độ phương tiện thủy lưu thông khá cao (trung bình trên 200 lượt/ngày - đêm). Theo đánh giá của các chuyên gia, cầu Đuống nằm ở vị trí rất phức tạp, mặt cắt bị thu hẹp, tim cầu nằm chéo so với hướng dòng chảy một góc gần 500, chiều cao tĩnh không cầu bị hạn chế (cao trình đáy dầm cầu +11,50m), chiều rộng khoang thông thuyền hẹp (khoảng 40m). Về mùa lũ, độ chênh mực nước giữa thượng lưu và hạ lưu rất lớn, lên đến 40 - 50cm làm tăng lưu tốc dòng chảy, tạo ra những vòng xoáy giữa khoang thông thuyền và hạ lưu. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn tại cầu Đuống trong thời gian qua.
Tàu vận tải chạy qua gầm cầu Đuống vào chiều 4/9. Ảnh: Phạm Hùng |
Là người thường xuyên đi lại trên tuyến sông này, ông Trần Văn Liêm - Thuyền trưởng tàu PT - 0239 cho biết, TNGT đường thủy tại khu vực cầu Đuống đã trở thành "chuyện thường ngày". Chẳng cứ mùa lũ, tai nạn do tàu thuyền va chạm với trụ cầu cũng xảy ra thường xuyên, trong mùa lũ thì nhiều hơn, với 2 dạng: phương tiện đâm va nhau, xảy ra nhiều nhất là phương tiện đâm va trụ cầu. Thời gian qua, mặc dù đã có lực lượng cứu hộ, chống va trôi tại vị trí cầu, song có rất nhiều người điều khiển phương tiện chủ quan, không tuân thủ các hiệu lệnh của đơn vị thường trực chống va trôi nên đã xảy ra một số tai nạn đáng tiếc. Điển hình, vụ tai nạn xảy ra lúc 22 giờ ngày 17/8/2010, tại km 8+700 phía bờ phải sông Đuống, chiếc tàu chở cát mang số hiệu NĐ-2236 do anh Trần Trung Dũng (SN 1981, Xuân Trường, Nam Định) điều khiển xuôi dòng từ Việt Trì về Hải Dương. Khi tàu chạy đến gần khu vực cầu Đuống do dòng nước sông dâng cao, chảy xoáy, xiết cộng với trời tối, lại mưa to khiến tầm nhìn bị hạn chế nên tàu đã đâm vào trụ gần khoang phụ của cầu Đuống, làm tàu bị thủng, chìm rất nhanh. Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng vợ chồng anh Dũng và con nhỏ.Từ tháng 5 - 7/2011, khu vực cầu Đuống đã xảy ra 5 vụ tai nạn do phương tiện thủy chạy qua đâm, đụng, va quệt vào trụ cầu, vào các ngày 20/5/2011 (tàu PT-1404); 10/6/2011 (tàu PT-1554); 18/6/2011 (tàu PT-0974); 27/6/2011 (tàu HP-1684) và ngày 6/7/2011 (tàu mang số hiệu PT-1475). Những vụ tai nạn này đều có chung nguyên nhân khi đến khoang thông thuyền cầu Đuống gặp dòng nước chảy xiên, xiết và xoáy cộng với công suất máy yếu nên tàu bị trôi nghiêng, nước tràn vào khoang hàng đẩy tàu va vào trụ cầu Đuống, gây chìm tàu. Làm gì để phòng ngừa hiểm họa? Ông Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Xí nghiệp Đảm bảo ATGT đường sông Hải Phòng cho biết: Khu vực cầu Đuống từ lâu đã trở thành điểm nóng về TNGT đường thủy, nhất là vào mùa mưa, lũ. Hiện nay, dòng chảy tại khu vực cầu có lưu tốc lớn, nước chảy xiên, xoáy và xiết, cùng với độ chênh lớn về mực nước giữa thượng lưu và hạ lưu, nên phương tiện thường bị trôi dạt gây đâm va vào trụ cầu, nhất là đối với những phương tiện có trọng tải lớn, công suất nhỏ hoặc chở quá tải. Một nguyên nhân cơ bản nữa là, hầu hết người điều khiển phương tiện chủ quan, không quan sát kỹ, không làm chủ được tốc độ và không tham khảo ý kiến của đơn vị làm nhiệm vụ điều tiết, chống va trôi khi điều động phương tiện qua cầu. Hiện đang vào mùa lũ, dòng chảy tại khu vực cầu Đuống có lưu tốc lớn nên rất nguy hiểm. Vì vậy, để phòng ngừa và hạn chế tai nạn xảy ra, các Thuyền trưởng phải lưu ý và tuân thủ nghiêm mọi chỉ dẫn, quy định an toàn đối với các phương tiện vận tải thủy khi đi lại qua khu vực cầu Đuống, đặc biệt là cấm các phương tiện chở quá tải. Đối với những phương tiện có công suất máy yếu, Thuyền trưởng hoặc chủ phương tiện nên nhờ sự trợ giúp của đội cứu hộ, cứu nạn chống va trôi đang làm nhiệm vụ 24/24 giờ tại đây.