Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm hẹn của chiều sâu lễ hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng năm 2015 đang những ngày chính hội. Hàng triệu người dân bốn phương đã nườm nượp hướng về núi Nghĩa Lĩnh, thành kính tri ân đất tổ tiên.

Dù hội đông nhưng năm nay Ban tổ chức đã khắc phục rất nhiều cảnh “chướng tai gai mắt”.

Không tiếp nhận hiện vật kỷ lục

Những năm trước về với đền Hùng khách thập phương sẽ được đón nhận hàng loạt các kỷ lục, từ kỷ lục bánh chưng to nhất Việt Nam, bày dầy nặng hàng tấn, chai rượu lớn nhất… Đến ngày du khách thụ lộc thì bánh chưng đã mốc, bánh dầy đã thiu và rượu kỷ lục trở thành cơ hội quảng cáo của doanh nghiệp. Năm nay, lễ hội đã vắng bóng hoàn toàn hai chữ “kỷ lục”.
Thực hiện lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ 24/4/2015.
Thực hiện lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ 24/4/2015.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Chinh - Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Phú Thọ, Phó Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng 2015: “Lễ hội đền Hùng đã từng có thời gian tư duy theo cách cái gì cũng nhất. Sau đó thì nhận thức cái nhất đó, mọi kỷ lục cũng chẳng làm gì, chỉ để quảng bá cho doanh nghiệp mà thôi. Chúng tôi quyết tâm đưa công tác tổ chức lễ hội đi vào chiều sâu, không chạy theo các kỷ lục. Từ đầu mùa lễ hội, những người muốn cung tiến hiện vật có gửi văn bản về tỉnh. Chúng tôi có văn bản trả lời đơn vị hiến tặng là không tiếp nhận, dù rất trân trọng tấm lòng của người cung tiến”. Mọi năm, Lễ hội đền Hùng từng tổ chức các đoàn gần 3.000 người về dâng hương, cung tiến và thực hành nhiều hoạt động khác. Đoàn người này ngồi tràn la liệt từ đền Thượng xuống đến cổng chính vào khu di tích, bày biện cả những hiện vật không liên quan đến di tích Đền Hùng. Mùa lễ hội năm nay, Ban tổ chức quyết định sẽ chấm dứt hoàn toàn cảnh dâng hương “khủng”, chào thánh, chào Phật trên đất đền Hùng. “UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo chỉ tạo điều kiện làm lễ theo nghi lễ truyền thống” - bà Chinh nhấn mạnh.

Rộn ràng các làn điệu xoan

Đã hơn 3 năm, di sản hát Xoan của Phú Thọ được công nhận là văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, những làn điệu, khúc hát của xoan càng trở nên hấp dẫn du khách gần xa. Thế nên, vài năm trở lại đây, về Lễ hội đền Hùng trước Miễu Lãi Lèn, đình làng An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét, hay tại sân khấu Trung tâm Khu di tích lịch sử đền Hùng lại trở thành điểm hẹn của những điệu hát xoan.

Chủ nhiệm phường xoan An Thái, nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch phấn khởi cho biết: “Từ ngày hát xoan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, các thành viên phường xoan ai cũng phấn khởi, bận rộn hơn vì rất nhiều đơn vị mời chúng tôi truyền dạy. Dịp Giỗ Tổ năm nay,  phường xoan có 30 người tham gia quảng bá hát xoan các điểm như đình An Thái (xã Phượng Lâu), đình Cả (xã Trưng Vương), đình Mộ Hạ (phường Bạch Hạc)... Đặc biệt, phường xoan An Thái sẽ có chương trình biểu diễn hát xoan cho khách Quốc tế tại đền Hùng".

Năm nay, các nghệ nhân hát xoan cao tuổi không còn thấy mình đơn đôc trong các màn biểu diễn, mà hơn 65 nghệ nhân trẻ kế cận đã tự tin giúp sức truyền tải văn hóa của người Việt xưa thông qua các giai điệu đến du khách. Bên cạnh đó, hơn 100 thanh thiếu niên, những thành viên của các câu lạc bộ hát Xoan cũng hăng say biểu diễn. Ông Hà Kế San – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: “Phú Thọ đang nỗ lực làm mọi việc để đưa hát xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Để gắn bảo tồn di sản văn hóa hát xoan với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hiện nay tỉnh Phú Thọ đã tập trung đầu tư tu bổ, phục hồi cho 5 di tích tại các phường xoan gốc ở TP Việt Trì, khôi phục các lễ hội, tục lệ hát xoan truyền thống nhằm xây dựng thành không gian văn hóa hát xoan gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục đầu tư hỗ trợ chống xuống cấp cho các di tích và phục hồi các tục lệ hát xoan truyền thống tại các di tích có hát xoan lan tỏa”. Với chiến lược bảo tồn này, mục tiêu đưa hát xoan ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong năm 2016 của Phú Thọ có thể thành hiện thực.

Hơn bất cứ dân tộc nào trên thế giới, người dân Việt Nam luôn tự hào là dân tộc có tín niệm sâu sắc về giống nòi, tổ tiên. Hy vọng chiều sâu văn hóa của Lễ hội đền Hùng sẽ ngày càng được phát huy để niềm tin tín ngưỡng ấy mãi xứng đáng là di sản văn hóa thế giới mà UNESCO đã công nhận.