Thiếu vốn là căn bệnh trầm kha của nhiều DN trong suốt thời gian vừa qua. Tuy nhiên, dù được bàn thảo nhiều, khơi thông "điểm nghẽn" vốn vẫn là thách thức lớn của nhiều DN.
Chưa thể “thoát” bóng ngân hàng
Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nhiều năm qua, các DN nước ngoài thường để lại khoảng 30% lợi nhuận tích lũy để tăng vốn tự có. Thế nhưng, DN Việt Nam chưa làm được điều đó, nhất là trong bối cảnh biến động kinh tế, sức ép chia cổ tức, lợi nhuận cổ đông rất lớn. Tỷ lệ tích lũy vốn thấp, dẫn đến các DN rất dễ bị tổn thương khi nền kinh tế gặp bất ổn. Chung quan điểm này, Giám đốc Công ty CP chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu Đoàn Trọng Lý cho rằng, DN Việt Nam mới chỉ trải qua trên 20 năm đổi mới nên khó có thể nói không phụ thuộc vốn ngân hàng.
Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ đang trông chờ nguồn vốn vay từ ngân hàng.
Ảnh: Linh Anh
Như vậy, trước mắt, khó có cách nào khác để DN không lệ thuộc vốn vào ngân hàng. Theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, đồng vốn ngân hàng từ nay đến năm 2015 sẽ bị siết chặt hơn để kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Việc tăng trưởng tín dụng của 5 năm trước liên tục ở mức 30 - 35% là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng sử dụng vốn dễ dãi, gây lạm phát. Dù định mức tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm của các ngân hàng khá lớn, nhưng theo ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, mỗi tháng chỉ nên tăng trưởng tín dụng 1 đến 1,2% là hợp lý, nếu không, nền kinh tế không hấp thụ được, gây lạm phát trở lại.
Nhiều rủi ro nếu không được kiểm soát
Giả sử đồng vốn ngân hàng bị siết chặt trong 5 năm tới, liệu có kênh huy động vốn khác cho DN hay không? Về lý thuyết là còn các kênh huy động vốn khác, như phát hành trái phiếu DN, phát hành chứng khoán… Nhưng như phân tích trên, với 90% là DN nhỏ và vừa, uy tín chưa cao, việc phát hành trái phiếu hoặc chứng khoán sẽ không dễ. Sân chơi trái phiếu DN là chiếc áo quá rộng với hầu hết DN Việt Nam. Cho nên đến nay, mới chỉ có một số DN, tập đoàn kinh tế lớn phát hành trái phiếu thành công, trong đó có cả phát hành ra nước ngoài như Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup… Nhưng để làm được việc đó, họ cũng phải mất rất nhiều thời gian. Một số DN lớn phát hành trái phiếu, chủ yếu được các ngân hàng thương mại mua lại. Nhưng việc mua lại kèm theo điều kiện DN phải thế chấp, ngân hàng mới mua...
Còn đối với kênh phát hành cổ phiếu, có lẽ với tình hình thị trường chứng khoán như hiện nay, khó có thể kỳ vọng việc huy động vốn sẽ thành công. Trong khi đó, huy động vốn trái phiếu hoặc cổ phiếu dù giúp DN có ngay một lượng vốn lớn, thì theo ông Võ Trí Thành, cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Huy động qua thị trường chứng khoán có đặc trưng là vốn về một ngày. Đây là mầm mống con bệnh "lỗi lầm" chính sách, "lỗi lầm" của ngân hàng. Giai đoạn 2007 - 2008, các DN huy động được số vốn rất lớn, cổ phiếu bán 10 chấm, 9 chấm, thu về vốn sở hữu. Nhưng khi huy động mạnh, thiếu cách nhìn dài hạn, DN dễ mắc bệnh tràn lan đầu tư, lúc đó năng lực quản trị đã không theo kịp, sẽ gây rủi ro cao.
Như vậy, trước mắt, có lẽ DN vẫn phải lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Tính đến nay, tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế cả nước ước khoảng 130 tỷ USD, gần bằng GDP một năm của Việt Nam. Đây là con số rất lớn. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với những gì đang diễn ra của việc cho vay, sử dụng vốn như hiện nay, cần có một cơ chế kiểm soát đồng vốn ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Nếu không, sẽ mang lại rủi ro cho chính DN, ngân hàng và nền kinh tế.