Điểm nhấn công nghệ tuần: Công bố 10 sự kiện ICT nổi bật 2019

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị quyết về Cách mạng 4.0 là sự kiện ICT nổi bật nhất 2019; 2 tuyến cáp biển AAG, IA cùng gặp sự cố; Doanh thu ngành Viễn thông đạt 470.000 tỷ đồng... là nội dung chú ý tuần qua.

Nghị quyết về Cách mạng 4.0 là sự kiện ICT nổi bật nhất 2019
Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) vừa công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2019. Nghị quyết về Cách mạng 4.0 là sự kiện ICT nổi bật nhất 2019.
 Lễ công bố 10 sự kiện. 
Bức tranh ICT Việt Nam năm 2019 với 3 điểm nhấn căn bản là việc triển khai các hoạt động để xây dựng Chính phủ điện tử, chiến lược Make in Việt Nam để người Việt tự tin làm chủ công nghệ và Cách mạng 4.0 đem lại sự bứt phá cho nền kinh tế.
Tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển việc xây dựng Chính phủ điện tử về cho Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT). Đây là một trong những chính sách được cho là mang tính cách mạng trong việc thúc đẩy sự phát triển Chính phủ điện tử.
Bộ TT&TT có trách nhiệm tiếp nhận và triển khai nhiệm vụ thường trực hiệu quả, không làm gián đoạn tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ phải triển khai Chính phủ điện tử với tốc độ cao hơn và chất lượng tốt lên.
Khi Chính phủ đi đầu về Chuyển đổi số, về Chính quyền điện tử, điều đó sẽ tốt cho người dân nhờ việc tiết kiệm chi phí, giảm nhũng nhiễu và công khai minh bạch. Các nhà quản lý hy vọng với quyết định của Thủ tướng chuyển việc xây dựng Chính phủ điện tử về cho Bộ TT&TT sẽ là bước đột phá mang tính cách mạng trong việc thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chính thức vận hành hệ thống E-Cabinet để hỗ trợ Văn phòng Chính phủ có thể tổ chức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng ngay trên các thiết bị di động iPad.
Cũng qua hệ thống E-Cabinet, các cuộc họp của Chính phủ sẽ rút ngắn thời gian hơn, hiệu quả và tiết kiệm hơn rất nhiều. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, hệ thống E-Cabinet là một bước thí điểm quy trình ứng dụng CNTT trong xử lý công việc. Muốn triển khai thành công nền kinh tế số, xã hội số thì phải có Chính phủ số mà khởi đầu là sự khai trương của hệ thống E-Cabinet.
Với mục tiêu thúc đẩy Chính phủ điện tử, Chính phủ cũng đã ra mắt Cổng Dịch vụ Công Quốc Gia vào ngày 9/12/2019 - đánh dấu mốc quan trọng trong cải cách hành chính của Việt Nam. Cổng được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến một cách nhanh chóng, tiện lợi và bảo mật thông tin.
Một trong những điểm nhấn khá đậm nét khác của bức tranh ICT năm 2019 đó là chiến lược “Make in Vietnam” được Chính phủ và Bộ TT&TT đẩy mạnh. Bộ TT&TT cho biết: "Make in Vietnam”, làm tại Việt Nam sẽ hàm nghĩa người Việt Nam chủ động, sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam của người Việt Nam và phát triển, đóng góp vào công nghệ, phát triển cộng đồng công nghệ.
Một trong những điểm nhấn năm 2019 đó chính là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước, phát triển mạnh mẽ kinh tế số. Đây được cho là cuộc cách mạng về tư duy để dùng công nghệ làm đòn bẩy phát triển đất nước và theo kịp xu hướng phát triển của toàn cầu.
Danh sách 10 sự kiện ICT 2019 - Bình chọn của Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ Thông tin Việt Nam

1- Bộ Chính trị ra Nghị quyết về Cách mạng 4.0

2 - Xét xử vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG

3 - Viêt Nam tuyên bố chiến lược Make in Vietnam

4 - Việt Nam thử nghiệm mạng 5G

5 - Bộ TT&TT siết chặt quản lý Google và Facebook

6 - Vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia

7 - Chính phủ đồng ý cho nhà mạng thí điểm Mobile Money

8 - Ra mắt một loạt mạng xã hội Việt Nam

9 - Xét xử giai đoạn 2 vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng

10 - Chính phủ vận hành hệ thống E-Cabinnet.
2 tuyến cáp biển AAG, IA cùng gặp sự cố
Trong khi tuyến cáp biển quốc tế Liên Á (IA) bị đứt từ ngày 8/12/2019 thì hôm qua 22/12 tuyến cáp biển AAG cũng đã gặp sự cố gây ảnh hưởng kết nối internet đi quốc tế.
  Ảnh minh họa
Nhà mạng VNPT đã có thông báo: “Lúc 7 giờ 10 phút ngày 22/12/2019, đường internet quốc tế qua cáp biển AAG bị sự cố, mất dung lượng 1.100 Gb trên tổng số 3.785,5 Gb quốc tế qua cáp biển này. VNPT đã tiếp nhận cảnh báo từ đơn vị quản lý cáp quang biển và sẽ tiếp tục theo dõi, cập nhập tình trạng tới khách hàng”.
Ngoài ra, một tuyến cáp quang biển khác mà các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) tại Việt Nam cũng đang sử dụng là tuyến Liên Á (Intra Asia - IA) cũng đang gặp sự cố trong thời điểm tương tự.
Có tổng chiều dài 6.800km, tuyến cáp IA kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, Hong Kong và Nhật Bản. Được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, hệ thống cáp IA có tốc độ truyền dữ liệu theo thiết kế lên tới 3,84Tbps, được đánh giá là tuyến cáp quang quan trọng để trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam và khu vực.
Đại diện một ISP cho hay, trường hợp cả 2 tuyến cáp AAG và IA cùng gặp sự cố, dung lượng Internet từ Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng ở mức là khoảng 30%. Vị đại diện này cũng cho biết thêm, các nhà mạng đều đang tổ chức ứng cứu, mở các hướng kết nối qua các tuyến cáp đất liền.
Doanh thu ngành Viễn thông đạt 470.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Cục Viễn thông, doanh thu toàn ngành đạt 470.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2018. Thông tin được đưa ra trong báo cáo của Cục Viễn thông tại Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2020 ngày 25/12.
 Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Cục Viễn thông, doanh thu toàn ngành đạt 470.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2018, tổng nộp ngân sách đạt 47.000 tỷ đồng, tăng 36,7% so với năm 2018. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng thể hiện sự chuyển dịch mạnh mẽ trong bối cảnh các dịch vụ viễn thông truyền thống đã ở trạng thái bão hoà.
Bên cạnh nhiều điểm sáng, những thách thức của lĩnh vực viễn thông bao gồm: khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, một số quy định đã lạc hậu, cản trở sự phát triển của lĩnh vực; doanh thu dịch vụ di động vẫn dựa vào các dịch vụ truyền thống, đặc biệt là thoại, SMS (chiếm 76,6%); mạng di động cùng lúc duy trì 4 công nghệ (2G, 3G, 4G, 5G) khiến doanh nghiệp tốn kém chi phí vận hành, không tập trung được nguồn lực tham gia công nghệ di động thế hệ mới; cạnh tranh quá mức đã gây ra nhiều loại rác như SIM rác, cuộc gọi rác, vấn nạn quảng cáo, lừa đảo trên mạng di động... gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội, quyền lợi người dân và an toàn, an ninh thông tin.
Về kết quả thực hiện năm 2019, báo cáo khẳng định, Cục đã trình Lãnh đạo ký Giấy phép thử nghiệm 5G cho Viettel, VNPT, MobiFone; chuyển mạng giữ số sau hơn 1 năm triển khai đã có hơn 1 triệu thuê bao chuyển mạng thành công (hơn 82%); chủ động xử lý tình trạng SIM rác, tin nhắn rác; đã xin chủ trương dừng công nghệ viễn thông di động mặt đất thế hệ cũ 2G ở Việt Nam tạo điều kiện thực hiện Đề án Chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ điện tử; ra Chỉ thị về tăng cường chia sẻ, dùng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông; chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông nâng cao tốc độ gói cước băng rộng với giá không đổi, nâng cao tốc độ truy nhập băng rộng di động hơn 35% và băng rộng cố định tăng hơn 65% so với năm 2018.
Về kế hoạch năm 2020, Cục Viễn thông sẽ xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn mới 2020-2025; xây dựng chiến lược băng rộng quốc gia 2021-2025; xây dựng lộ trình và phương án dừng mạng 2G, thúc đẩy tiêu dùng dữ liệu, phát triển công nghiệp nội dung số, phổ cập smartphone; sớm cấp phép thương mại hoá 5G, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên triển khai mạng 5G; thúc đẩy thí điểm Mobile Money; xử lý triệt để SIM rác, cuộc gọi rác; nâng tỷ lệ chuyển mạng giữ số thành công đạt trên 90%...
Ra mắt nền tảng báo chí Appnews Việt Nam
Ngày 26/12, Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 tổ chức buổi ra mắt nền tảng tạo ứng dụng (app) dành cho báo và tạp chí điện tử.
 Chính thức khởi động Appnews
Cụ thể, Yeah1 sẽ giới thiệu về nền tảng Appnews Việt Nam, hướng dẫn sử dụng chi tiết cũng như giải đáp các thắc mắc về kỹ thuật và hướng phát triển doanh thu cho các cơ quan báo và tạp chí điện tử.
Nền tảng của Appnews Việt Nam ra đời nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc cung cấp cho các cơ quan báo chí những ứng dụng công nghệ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của báo chí hiện đại. Nền tảng này cho phép các cơ quan báo chí tự tạo ra ứng dụng điện thoại của riêng mình một cách nhanh chóng.
Từ ứng dụng, các báo có thể đăng tải và quản lý nội dung một cách dễ dàng, linh hoạt. Người đọc chỉ cần tải app của một báo thì có thể xem được tin tức của tất cả các báo trên hệ thống.
Nền tảng Appnews Việt Nam còn mang lại những giải pháp công nghệ tiên tiến, toàn diện và tối ưu dành cho các cơ quan báo và tạp chí điện tử, tích hợp sẵn công cụ quản trị hiện đại, ngân hàng giao diện tích hợp sẵn, góp phần thúc đẩy doanh thu và tăng lượng độc giả.
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tổng - Chủ tịch Yeah1 cho biết: Khi tham gia và hệ sinh thái Appnews Việt Nam, các cơ quan báo, tạp chí điện tử có thể xem được tin tức của tất cả các báo trên hệ thống.

Bộ TT&TT tổng kết năm 2019, triển khai nhiệm vụ 2020

Sáng 28/12, tại Hà Nội, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020.

Năm 2019, với mục tiêu “Nâng cao thứ hạng Việt Nam” và phương châm hành động “Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”, Bộ TT&TT đã khẩn trương, quyết liệt, đổi mới cách nghĩ, cách làm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của đất nước, góp phần xây dựng nước Việt Nam hùng cường.

 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị

Các chỉ số tăng trưởng của các lĩnh vực thuộc Ngành đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Theo báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển Bưu chính năm 2019, do Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) công bố về thứ hạng, Việt Nam xếp thứ 45/172 quốc gia (tăng 5 bậc so với năm 2018); Trong lĩnh vực Viễn thông, điểm đánh giá chỉ số IDI của Việt Nam đạt xấp xỉ 5,57 tương ứng với hạng 81 (ngang với Trung Quốc và Iran); Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng về an toàn, an ninh mạng toàn cầu, do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đánh giá, từ thứ hạng 100 năm 2017 lên thứ hạng 50 năm 2019.

Việt Nam được đánh giá là nước có số lượng mã độc di động thấp thứ 2 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có những bước tiến mạnh mẽ nhất trên bảng xếp hạng 140 quốc gia của WEF, với việc tăng 10 bậc về chỉ số GCI (từ vị trí 77 năm 2018 lên thứ hạng 67), trong đó, chỉ số thành phần về ứng dụng CNTT-TT (ICT adoption) đóng vai trò hết sức quan trọng khi tăng hơn 50 bậc từ thứ hạng 95 (năm 2018) lên thứ hạng 41.

Tổng doanh thu toàn ngành dự kiến đạt 3.100.000 tỷ đồng (gần 135 tỷ USD), tăng 8,8% so với năm 2018; nộp ngân sách đạt 99.820 tỷ đồng (hơn 43 tỷ USD), tăng 23,4% so với năm 2018. Lĩnh vực báo chí, truyền thông đã phản ánh đúng dòng chảy của xã hội, góp phần tạo sự đồng thuận và niềm tin của xã hội.

Về những định hướng lớn mà ngành TT&TT tập trung triển khai trong năm 2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Năm 2020 ngành TT&TT xác định là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động mạnh mẽ để tiến tới một Việt Nam số. Đây sẽ là một sự chuyển đổi sâu sắc và toàn diện, mà đầu tiên là sự chuyển đổi về phương thức, quy trình vận hành, về cách làm việc trong mọi lĩnh vực.

Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi viễn thông tăng trưởng gần 19%, với sự đóng góp của 50.000 doanh nghiệp công nghệ. Công nghiệp CNTT duy trì tăng trưởng 10%. Bên cạnh đó là việc triển khai thử nghiệm mạng 5G, có kế hoạch tắt sóng 2G, chỉ đạo các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất thiết bị 5G của Việt Nam. Bộ đã khởi động chương trình lớn về “Make in Vietnam” và chuyển đổi số, đã trình ký và triển khai thực hiện quy hoạch báo chí…

Năm 2020, thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng cho rằng Bộ TT&TT phải chỉ đạo các doanh nghiệp trong ngành đầu tư hạ tầng số đi trước một bước cho chuyển đổi số và đi đầu trong công cụ chuyển đổi số. 100% hệ thống CNTT của chính phủ điện tử phải có trung tâm giám sát an ninh mạng.

“Make in Vietnam” là một định hướng lớn, là tuyên bố sự chuyển dịch từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm Việt Nam, sang làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ. Các doanh nghiệp CNTT và truyền thông phải đi đầu trong chiến lược "Make in Vietnam".

Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia, Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, phổ cập thiết bị 5G. Bộ TT&TT cần đưa vào vận hành Trung tâm Nghiên cứu chính sách 4.0 mà Bộ trưởng đã ký với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Về báo chí, truyền thông, Thủ tướng nêu rõ báo chí phải thể hiện trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo nên sự đồng thuận và niềm tin xã hội, đặc biệt tạo nên một khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; Thực hiện nghiêm túc, chủ động Quy hoạch Báo chí đã được phê duyệt, đúng lộ trình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần