Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn công nghệ tuần: Google đã hạ hơn 600 clip có nội dung xấu trên Youtube

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã gửi sang Google 2.259 link clip có nội dung sai phạm so với quy định của pháp luật Việt Nam.rn

Đã hạ 1.173 clip có nội dung xấu trên Youtube
Theo thông tin từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH) trong số 2.259 clip mà Bộ TT&TT gửi thêm thì Google đã hạ thêm 614 clip có nội dung sai phạm, nâng tổng số clip do Google hạ và chặn lên tới 656 clip. Bên cạnh đó, Cục PTTH&TTĐT cũng có phối hợp phát hiện và đóng một kênh hoạt động sai nội dung với tổng số 517 clip. Như vậy, tính đến nay, tổng số clip có nội dung sai phạm bị hạ, chặn trên YouTube lên con số 1.173 clip.
 
Tuy nhiên, phía Cục PTTH&TTĐT cũng cho biết thêm, phương pháp để phát hiện các nội dung sai phạm hiện nay vẫn là xem từng nội dung clip. Do đó, tốc độ hạ clip chậm hơn dự kiến. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra sơ bộ các link clip mà Cục chuyển tới, Google đã chặn các quảng cáo trên các kênh hoặc các clip này.
Thời gian qua Cục đã làm việc với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, Google, YouTube) để yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về cung cấp thông tin trên mạng theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 38 của Bộ TT&TT về quản lý thông tin công cộng qua biên giới, phía Cục PTTH&TTĐT chia sẻ.
Hà Nội triển khai hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân trong tháng 4/2017
Theo thông tin từ Nhật Cường Software, trong tháng 4/2017, đơn vị này sẽ triển khai hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân trên 584 xã/phường trên địa bàn Hà Nội, với khoảng 7 triệu người dân được lập sổ theo dõi sức khỏe điện tử.
 
Hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân trên địa bàn Hà Nội sẽ được tích hợp vào hệ thống chính quyền điện tử Thành phố. Thời gian tới, cùng với Cổng trao đổi thông tin hồ sơ sức khỏe với các bệnh viện, Cổng tra cứu hồ sơ sức khỏe cho người dân cũng sẽ được đưa vào vận hành, chạy cả trên nền tảng web và mobile app (iOS, Android).
“Khi đó người dân sẽ không cần giấy tờ, hồ sơ giấy, cũng có thể dễ dàng theo dõi lịch khám, đặt lịch hẹn từ xa, truy cập hồ sơ mọi lúc mọi nơi và chuyển tuyến cấp cứu thuận lợi. Ngoài ra, các bệnh di truyền của người dân sẽ được phát hiện sớm, tầm soát ung thư hiệu quả”, đại diện Nhật Cường cho hay.
Trước đó, Nhật Cường Software đã triển khai hợp tác cùng UBND TP Hà Nội triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Nhật Cường cũng là đối tác đang cùng Hà Nội triển khai xây dựng hệ thống quản lý giáo dục và hệ thống quản lý bệnh viện, cơ sở y tế và hồ sơ sức khỏe toàn dân trên địa bàn.
Mã độc tống tiền là mối lo ngại lớn nhất cho an ninh mạng Việt Nam năm 2017
Nhận định này đã được Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an đưa ra tại buổi Tọa đàm trong khuôn khổ chương trình hội thảo Security World 2017 vừa diễn ra.
 
Theo Trung tướng, mẫu mã độc tấn công vào hệ thống thông tin của Hàng không Việt Nam hồi cuối năm 2016 chính là mã độc tống tiền (ransomware). Loại mã độc này được đóng gói rất tinh vi và chuyển thông tin đi rất nhanh, rất nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam coi ransomwware là mối đe dọa lớn với các tổ chức, doanh nghiệp.
Còn ông Hà Thế Phương, Giám đốc Trung tâm dịch vụ bảo mật CMS Infosec cho biết, loại mã độc này chính là nguồn cung cấp tiền nhanh cho bên tội phạm, khi ransomware tấn công chúng làm cho nạn nhân lo sợ vì nạn nhân cảm thấy dữ liệu mình đang sở hữu sẽ bị mất đi. Thường 90% nạn nhân bị tấn công đánh cắp dữ liệu chấp nhận trả tiền cho kẻ tấn công, hành động này vô hình chung nối tay cho kẻ tấn công có động lực để tiếp tục phát tán lây nhiễm mã độc cho các nạn nhân khác, một mặt khác khi mà trả tiền để lấy lại dữ liệu chưa chắc nạn nhân đã được trả lại dữ liệu an toàn.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam xếp trong số 17 quốc gia bị tấn công nhiều nhất bởi các hacker về CNTT, đây là mối đe dọa rất lớn. Hầu hết các cuộc tấn công xuất hiện từ bên trong nhiều hơn là từ bên ngoài, nhiều nhân viên sau khi rời khỏi công ty đã cố tình lấy một chút dữ liệu sau đó tìm cách bán lại cho những kẻ khác để lấy tiền, đây là thất thoát đối với các doanh nghiệp hay tập đoàn.
Samsung hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam sản xuất linh kiện kỹ thuật cao
Mới đây, Samsung Việt Nam cho biết theo lộ trình, hãng sẽ tập trung vào các ngành công nghiệp như in ấn, đóng gói và ép nhựa từ năm 2015, đến năm 2017. Do vậy, Samsung sẽ mở rộng phạm vi tư vấn hỗ trợ sang lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật cao như điện, điện tử (bản mạch điện tử PCB, loa TV, bộ dây dẫn điện...) để giúp các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất các linh kiện điện tử phức tạp có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
 
Mục tiêu của Samsung trong năm 2017 là tư vấn cho 12 doanh nghiệp Việt Nam, nâng tổng số doanh nghiệp được tư vấn lên con số 26 tính từ năm 2015.
Đây cũng là lần đầu tiên, các công ty con của Samsung như Samsung Display Việt Nam và Samsung Điện cơ Việt Nam (Samsung Electro Mechanics Vietnam) tham gia vào chương trình hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp cung ứng Việt Nam.
Cũng trong năm nay, Samsung sẽ thí điểm áp dụng mô hình để doanh nghiệp cung ứng cấp 1 hướng dẫn doanh nghiệp cung ứng cấp 2 nhằm tạo ra hiệu ứng phát triển lan tỏa trong ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.