Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nhấn kinh tế Thủ đô năm 2014

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với đà phục hồi chung của cả nước, kinh tế Thủ đô năm 2014 ghi nhận những chuyển biến tích cực trong tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu.

Những kết quả có được là nhờ sự nỗ lực của đội ngũ DN, doanh nhân, và sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý, chính quyền các cấp. Đây cũng là cơ sở quan trọng tạo đà cho việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2015.

Sự chuyển biến ở hầu hết các lĩnh vực 

Năm 2014, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 8,8% (kế hoạch TP đề ra là từ 8,5 - 9%); trong đó, giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2% (đóng góp 0,1% vào mức tăng chung của GRDP); ngành công nghiệp, xây dựng tăng 8,5% (đóng góp 3,6%); ngành dịch vụ tăng 9,6% (đóng góp 5,1%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 12,5% so với năm 2013, trong đó, bán lẻ tăng 12,2% (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,1%). Mức tăng xuất khẩu (XK) cao hơn hẳn mức tăng nhập khẩu (NK): Kim ngạch XK tăng 11,7% so với năm trước, trong đó XK địa phương tăng 10,4%; Kim ngạch NK tăng 4,3%, trong đó NK địa phương tăng 5,1%. Bất chấp sự kiện Biển Đông hồi giữa năm, Hà Nội vẫn đón trên 2,007 triệu lượt khách quốc tế, tăng 9,4%.

 
 
Một phân xưởng sản xuất xích líp tại Công ty CP Xích líp Đông Anh. Ảnh: Internet.
Một phân xưởng sản xuất xích líp tại Công ty CP Xích líp Đông Anh. Ảnh: Internet.
 
Mặc dù lãi suất huy động ngân hàng liên tục giảm, nhưng tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng vẫn tăng, cơ cấu tín dụng tích cực hơn. Ước đến hết tháng 12, tổng nguồn vốn huy động đạt 1.203,9 ngàn tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm trước, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 9,5%, phát hành giấy tờ có giá tăng 45,1%; Tổng dư nợ cho vay đạt 1.035,6 ngàn tỷ đồng, tăng 9,6%, trong đó dư nợ ngắn hạn tăng 4,2%, dư nợ trung và dài hạn tăng 21,5%.

Một yếu tố nữa nổi trội là sự phục hồi của thị trường bất động (BĐS) phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở bình dân với mức giao dịch thành công gấp đôi năm 2013. Độ ấm dần của thị trường BĐS là minh chứng cho thấy sự tiềm tàng nhu cầu thực, nhất là nhu cầu về nhà ở xã hội. Mức chuyển sáng trên thị trường BĐS cũng là hội tụ kết quả của sự nhận diện và tháo gỡ đúng đắn, kịp thời những khó khăn, bất cập trong đầu tư và cơ cấu BĐS; sự điều chỉnh tích cực trong quản lý Nhà nước về quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, định giá đất, tiếp tục nới điều kiện tiếp cận gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay mua, thuê, xây mới và cải tạo nhà.

Hướng mở triển vọng cho thị trường BĐS là phân khúc nhà ở xã hội có diện tích và giá cả vừa phải, chất lượng đảm bảo; nhà và mặt bằng kinh doanh được tiêu thụ theo phương thức cho thuê, thuê - mua và mua - cho thuê; các căn hộ chung cư trung - cao cấp được quản lý bởi các công ty ủy thác, khai thác chuyên nghiệp có trách nhiệm cao, giá hợp lý…

Thực tế có nhiều căn cứ để tin rằng, một chu kỳ mới của thị trường BĐS đang hình thành, ngày càng tăng trưởng về quy mô, tốc độ, cân bằng và hiệu quả hơn vào những năm cuối thập kỷ này, tạo sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ đến phát triển kinh tế và việc làm; đồng thời, cũng đòi hỏi tăng cường quản lý Nhà nước thống nhất, hài hòa lợi ích trên thị trường BĐS vì ổn định vĩ mô và an ninh quốc gia…

Lạm phát thấp, môi trường đầu tư được cải thiện 

Năm 2014, cũng như cả nước, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn Hà Nội có mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua; trong đó, TP có CPI tháng 3 giảm 0,15%, tháng 5 giảm 0,07%, tháng 11 giảm 0,3% và tháng 12 giảm 0,23% so với tháng trước.

CPI thấp, ngoài các nguyên nhân giá xăng dầu và giá gas… giảm (khoảng hơn 20%), sự phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ, và gia tăng khuyến mại, còn phải kể đến thành công của Chính phủ cũng như của TP trong công tác điều hành kinh tế suốt thời gian qua, nhất là hiệu quả kiểm soát vĩ mô giá một số mặt hàng thiết yếu, đầu vào, có tính độc quyền và nhạy cảm cao...

Lạm phát thấp góp phần cải thiện mức sống thực tế của người dân; củng cố sức mua đồng nội tệ, khả năng thanh khoản, giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay tín dụng ngân hàng; nâng cao uy tín quốc gia; củng cố niềm tin tiêu dùng và lòng tin thị truờng; tăng hấp dẫn đầu tư vào Việt Nam và Hà Nội.

Đặc biệt, CPI thấp, trong khi GDP và XK giữ được nhịp độ tăng khá, tăng trưởng tín dụng không cao và vốn đầu tư Nhà nước trên địa bàn chỉ tăng 3,9%, đã ít nhiều cho thấy sự nhạt bớt ám ảnh lệ thuộc tăng trưởng phải dựa vào tăng vốn đầu tư công và phá giá VND tạo hệ lụy lạm phát cao, như cái giá phải trả và là vòng luẩn quẩn định mệnh khắc nghiệt như quan niệm định kiến bấy lâu nay.

Mặc dù, CPI thấp mang lại e ngại về sức mua thị truờng thấp và trì trệ thị trường hàng hóa trong nước bị tô đậm hơn, nhưng vẫn là tín hiệu đáng mừng và bật sáng nhiều kỳ vọng mới tích cực hơn cho năm 2015.

 CPI thấp còn làm tăng sức hấp dẫn môi trường đầu tư và ngược lại, môi trường đầu tư được cải thiện góp phần kiềm chế mức tăng CPI. Trong năm 2014, TP đã chủ động thực hiện 7 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy chương trình bình ổn giá, chương trình khuyến mại đa dạng của các DN, chương trình liên kết kinh tế và cung - cầu hàng hóa dịch vụ giữa Hà Nội với các tỉnh, thành khác, tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường XK...

Thực hiện những giải pháp này, nhiều tổ chức tín dụng trên địa bàn TP cũng đã tích cực đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, thông thoáng hơn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải ngân, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn và phù hợp với quy định của pháp luật. Đặc biệt, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 20/5/2014 về thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - DN, khuyến khích ngân hàng thương mại tăng vốn cho vay với lãi suất vay ngắn hạn 6,5 - 7,5%/năm, cho vay trung và dài hạn ở mức 10%/năm cho các hộ sản xuất, kinh doanh và DN, nhất là đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên. Đến nay, đã có 23 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng thương mại tham gia chương trình và hàng trăm DN được hưởng lợi từ chương trình này với mức hỗ trợ giảm lãi suất hàng ngàn tỷ đồng. 

Môi trường kinh doanh được cải thiện còn thể hiện ở việc ước tính năm 2014, Hà Nội cấp phép mới 295 dự án FDI trị giá 320 triệu USD; tăng vốn 90 dự án FDI, trị giá 810 triệu USD. Lũy kế tới cuối năm 2014, Hà Nội đứng thứ ba cả nước về thu hút FDI, với gần 3.000 dự án, tổng vốn hơn 23,4 tỷ USD, chiếm 17% tổng số dự án và 9,4% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam.

10 tháng năm 2014, trên địa bàn có 14.460 DN được thành lập mới, tăng 1,47% so với năm trước. Tổng số DN ngừng hoạt động là 10.268, tăng 1,88% so với cùng kỳ (trong đó giải thể 646 DN, bỏ kinh doanh 6.911 DN, tạm ngừng kinh doanh 2.711 DN). Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 313.214 tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm trước. Năm 2014, TP đã phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô với khối lượng 3.000 tỷ đồng phân bổ cho các dự án, công trình trọng điểm... Đặc biệt, ước cả năm, TP đã giải quyết việc làm cho 140.450 lao động, đạt 100,3% kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 là 2,08%, giảm so với mức 2,43% năm 2013.

Vẫn còn những thách thức 

Công tác quản lý đất đai, quản lý thuế của Hà Nội vẫn còn có những bất cập. Năm 2014, TP ghi nhận mức nợ đọng thuế, phí khá lớn (tăng hơn 30% so với năm 2013), dù có giảm vào những tháng cuối. Nguyên nhân được xác định do nhiều DN, tổ chức kinh tế khó khăn về tài chính, mất khả năng thanh toán. Hà Nội cũng còn khá bị động trong vấn đề liên kết và phát huy vai trò kinh tế TP trong khu vực vùng Thủ đô. 

Ngoài ra, những động thái về phát triển công nghiệp chủ lực còn nhiều điểm chưa thật an tâm. Các ngành công nghiệp chủ lực và công nghiệp chế biến chế tạo của TP vẫn tăng, nhưng mức tăng còn thấp. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cộng dồn 11 tháng cũng chỉ tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Tại thời điểm 1/12/2014, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,8% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng thời điểm năm trước; còn chỉ số sử dụng lao động trong các DN công nghiệp tăng 2,3% so với cùng thời điểm năm trước.

Tổng thu ngân sách trên địa bàn cả năm ước đạt 130.100 tỷ đồng, tăng 3,1% so với dự toán năm, nhưng tổng chi ngân sách địa phương là 52.509 tỷ đồng, tăng 13% so với dự toán năm.

Bên cạnh đó, thị trường rau sạch và thực phẩm sạch trên địa bàn Thủ đô vẫn còn bị tắc nghẽn do công tác tổ chức thị trường, chưa có sự gặp nhau cung - cầu; người mua vẫn khó mua được rau và thực phẩm sạch, còn người bán thì vẫn lúng túng đầu ra...

Những nỗ lực, thành công và cả những thách thức được ghi nhận trong thời gian qua là điểm tựa và đòi hỏi cho TP Hà Nội nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và tiếp tục thực hiện hiệu quả "Năm trật tự và văn minh đô thị"...