Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Điểm nóng nhất của thế giới đa cực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại phiên họp lần thứ 23 của Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) diễn ra ở Ecuador, tranh cãi đã nổ ra khi đại diện Thượng viện Nga đề xuất về sự cần thiết phải hình thành của một thế giới đa cực.

Diễn biến nhanh chóng và đầy bất ngờ của các sự kiện chính trị, kinh tế nổi bật trong thời gian qua cho thấy, thế giới đang trải qua giai đoạn tái định hình.

Tái định hình thế giới và thị trường toàn cầu

Sự ra đời của những liên minh và nhóm lợi ích mới sẽ từng bước phân định trật tự thế giới. Tất nhiên, sự va chạm lợi ích và ảnh hưởng của các nhóm liên minh khác nhau là không thể tránh khỏi và dẫn đến hiện tượng gây bất ổn trong từng khu vực để xác lập ảnh hưởng, tăng cường sự hiện diện. Trên thực tế, với những hình thức công khai và bí mật, một số thế lực đã kích động mâu thuẫn nội bộ, thúc đẩy các cuộc "cách mạng màu" tại Đông Âu, "cách mạng hoa nhài" và "cách mạng hoa sen" tại Bắc Phi, dẫn đến việc vẽ lại bản đồ địa chính trị một số khu vực có vị trí chiến lược. Ngay cả sự sụp đổ của giá dầu thời gian qua cũng được nhìn nhận như một phần của kế hoạch tái định hình thị trường năng lượng, làm suy giảm nguồn lực và ảnh hưởng của các quốc gia xuất khẩu dầu như Nga, Iraq, Venezuela... Ngay cả những nước đi của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng T.Ư châu Âu cũng tạo ra nhiều mảng sáng tối trên thị trường tài chính và buộc các nước yếu thế hơn phải điều chỉnh chính sách tiền tệ, đảm bảo an toàn cho ngân khố và đồng tiền quốc gia.
Hội nghị thường niên lần thứ 23 của APPF tại Ecuador.
Hội nghị thường niên lần thứ 23 của APPF tại Ecuador.
Trong khi phần lớn đại diện của 27 quốc gia và Chủ tịch danh dự của APPF, cựu Thủ tướng Nhật Bản Yasuhiro Nakasone ủng hộ quan điểm trên, các nghị sĩ Mỹ đã bộc lộ sự thờ ơ đối với ý tưởng về một thế giới đa cực. Điều này có thể xuất phát từ chiến lược hình thành một thế giới đơn cực theo hình mẫu riêng được chính quyền Mỹ theo đuổi ngay từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Dịch chuyển quan trọng

Là khu vực duy trì động lực tăng trưởng toàn cầu suốt hơn chục năm qua cùng vị trí quan trọng chiến lược, châu Á - Thái Bình Dương đang trở thành một trong những điểm cực nóng nhất của thế giới đa cực hiện nay. Trong năm qua, khu vực đã chứng kiến những dịch chuyển quan trọng về địa chính trị và kinh tế cũng như sự hiện diện ở vị trí trung tâm trong chiến lược đối ngoại, chính sách kinh tế của các nước lớn.

Sự xuất hiện của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng ở Iraq và Syria cũng đã làm phức tạp hơn chương trình nghị sự của Mỹ. Do đó, chiến lược tái cân bằng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương đã bị đình trệ, cho phép Trung Quốc tiếp tục khẳng định quyền lực của mình, ít nhất là cho đến khi Mỹ thoát khỏi những vấn đề đang diễn ra, nhưng đây lại là một câu chuyện dài. Nhưng để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc, tăng cường sự hiện diện tại khu vực, Mỹ tiếp tục thực hiện chiến lược xoay trục; Ấn Đô, Nga và một số quốc gia châu Âu cũng tích cực thực hiện chính sách hướng Đông. Tất nhiên, ngoài tăng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, những bất ổn trên vòng cung Đông Á với các mâu thuẫn liên quan đến tranh chấp lãnh thổ cả trên đất liền (Trung Quốc - Ấn Độ - Pakistan) và trên biển (Trung Quốc - Nhật Bản và một số nước ASEAN) đã được một số  nhóm lợi ích sử dụng. Bầu không khí tại châu Á - Thái Bình Dương vì thế là sự tiếp diễn của hợp tác và các hoạt động nhằm củng cố niềm tin chiến lược của các quốc gia trong khu vực.

Tiếp tục hướng Đông

Là một trong những quốc gia chủ động thực hiện chính sách hướng Đông, chủ trương này được Moscow đẩy mạnh trong bối cảnh giá dầu liên tiếp lao dốc. Phát biểu tại Diễn đàn Gaidar, Thủ tướng Dmitry Medvedev cho rằng, mô hình tăng trưởng dựa vào nguồn tài nguyên và năng lượng trước đây đã lỗi thời và đã đến lúc Nga phải thay đổi mô hình kinh tế.

Nhấn mạnh việc tận dụng lợi thế gần gũi địa lý đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương không xuất phát từ lệnh trừng phạt của phương Tây, ông Medvedev cho rằng, mối quan hệ hợp tác này “đơn giản là tốt và hữu ích cho Nga”. Hiện, các nước châu Á - Thái Bình Dương đang chiếm khoảng khoảng 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Nga, trong khi khu vực này chiếm tới hơn một nửa GDP toàn cầu. Vì thế, từ đầu năm 2015, Liên minh Kinh tế Á - Âu đã hoạt động theo kế hoạch đã đề ra sẽ tạo điều kiện để Nga gia nhập thị trường đầy tiềm năng này. Liên minh Hải quan có sự tham gia của Việt Nam và một số nước châu Á - Thái Bình Dương khác gia nhập sẽ là tiền đề để Moscow khai thác lợi thế của những quốc gia có nguồn tài nguyên phong phú trong khu vực.

Là điểm cực trung tâm của thế giới đa cực hiện nay, các cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn sẽ có nhiều tác động, đòi hỏi các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có  Việt Nam phải có những phản ứng thích hợp để giúp duy trì hòa bình, an ninh và sự ổn định cũng như củng cố sức mạnh và vị thế của mình.