Điểm sáng hợp tác Hà Nội - Vientiane

Nguyễn Vân Thiêng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tọa lạc giữa Thủ đô Vientiane (Lào), trường Cao đẳng (CĐ) Kỹ thuật - Dạy nghề Hữu nghị Vientiane - Hà Nội là công trình tiêu biểu cho quan hệ hợp tác giữa hai Thủ đô nói riêng và quan hệ hữu nghị Việt - Lào nói chung. Đây cũng là một trong những địa chỉ đào tạo đáng tin cậy của Lào.

 Hình ảnh Lễ bàn giao công trình do Thủ đô Hà Nội trao tặng Thủ đô Vientiane.
Từ một trường trung cấp dạy nghề với 25 phòng học và làm việc, năm 2004, được sự hỗ trợ của TP Hà Nội, một ngôi trường mới đã được xây dựng khang trang, với cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học nghề ngày càng tăng của thanh niên Lào. 13 năm đã qua, với chặng đường phát triển liên tục, nhà trường để trở thành một trong những trường dạy nghề có uy tín bậc nhất tại Lào.
Đi cùng với sự thay đổi của cơ sở vật chất, cán bộ, giáo viên cũng tăng từ 25 người ban đầu lên 89 người trong năm học này (trong đó có 27 thạc sĩ); trang thiết bị dạy học được đầu tư, đáp ứng cho nhu cầu giảng dạy và học tập của hơn 600 sinh viên/mỗi năm với 3 khoa cơ bản là: Công nghệ thông tin, Điện – Điện tử và Quản trị kinh doanh. Trong đó, ngành Công nghệ thông tin và Quản trị kinh doanh được đào tạo trình độ CĐ; kế toán và kỹ thuật viên máy tính, vi tính văn phòng đào tạo trình độ trung cấp… Để đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động trẻ, nhà trường cũng áp dụng linh hoạt các chương trình đào tạo: 9+3 hoặc 12+2 đối với hệ trung cấp nghề; 12+3 với hệ CĐ. Học viên tốt nghiệp trung cấp nghề có thể học thêm 1,5 năm chương trình liên thông để lấy bằng trình độ CĐ.

Thạc sĩ Sonsay Phonthavong - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, cùng với sự giúp đỡ của TP Hà Nội, trường còn tăng cường hợp tác và nhận được sự giúp đỡ tận tình của các trường đại học (ĐH) ở Việt Nam như ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, ĐH Công nghiệp Hà Nội, CĐ Công nghệ cao Hà Nội, ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông, ĐH Kinh tế & Quản trị kinh doanh (ĐH Thái Nguyên) và gần đây là ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh... Ngoài việc được hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, việc mở rộng quan hệ hợp tác với các trường ĐH của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng còn là cơ hội để nhà trường bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên và cán bộ quản lý. Qua đó, tổ chức các chương trình giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình đào tạo, xây dựng chương trình giảng dạy phù hợp với thực tế phát triển giáo dục của đất nước. Đồng thời tiếp thu thành tựu giáo dục của những nước phát triển để từng bước hội nhập quốc tế. Cùng với đó, việc trao đổi tuyển sinh lưu học sinh Lào đi đào tạo các bậc liên thông ĐH và sau ĐH tại nước ngoài cũng được thực hiện để nâng chất lượng đào tạo.
Trường Cao đẳng kỹ thuật dạy nghể Hữu Nghị Vientiane - Hà Nội do TP Hà Nội tài trợ xây dựng.
Chính nhờ xác định đúng quy mô, mục tiêu đào tạo mà trên 80% học viên, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đã có việc làm, nhận được nhiều phản hồi tốt từ các cơ quan, DN sử dụng lao động. Điều đó càng khẳng định uy tín của nhà trường trong lĩnh vực đào tạo nghề, gợi mở thêm những hướng phát triển mới để nhà trường ngày càng xích lại gần hơn với nhu cầu của người sử dụng lao động, phục vụ tốt hơn những đòi hỏi của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước Lào.

Trước nhu cầu phát triển và hội nhập, nhà trường luôn trăn trở, tìm con đường phát triển theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. “Cần phải bắt tay với DN, đào tạo theo địa chỉ để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề của nhà trường” - Phó Hiệu trưởng Sonsay Phonthavong đã khẳng định như vậy khi nói về một tương lai không xa.

Mục tiêu nhà trường hướng đến là có thể nâng cấp trường CĐ Kỹ thuật - Dạy nghề Hữu Nghị Vientiane - Hà Nội lên thành trường ĐH. Khi nói về những dự định trong hướng phát triển của nhà trường, Phó Hiệu trưởng Sonsay Phonthavong không giấu được niềm vui khi chỉ tay về phía khu lớp học 2 tầng với 20 phòng học do Ngân hàng BIDV tài trợ đang gấp rút thi công để năm học tới có thể đưa vào giảng dạy và một khu nội trú cũng đang chuẩn bị khởi công, giải quyết một phần chỗ ở cho những sinh viên xa nhà có điều kiện học tập tốt hơn.

Tuy nhiên, 5.000m2 cho một cơ sở dạy nghề đã trở thành chiếc áo quá chật của một cơ thể đang ngày một lớn nhanh. Trường CĐ Kỹ thuật - Dạy nghề Vientiane - Hà Nội rất cần sự đầu tư của nhà nước Lào cũng như sự hỗ trợ thiết thực của các địa phương, đơn vị có quan hệ hợp tác để phát triển xứng tầm với vị trí của mình trong sứ mệnh cung cấp nguồn lao động có chuyên môn, tay nghề cho sự phát triển của đất nước Lào xinh đẹp. Đồng thời cũng xứng đáng với biểu tượng hợp tác giữa hai Thủ đô Hà Nội - Vientiane, góp phần vun đắp cho quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào.