Nhiều trăn trở 5 năm vừa rồi, Hội Điện ảnh Hà Nội đã hỗ trợ đầu tư tới 100 tác phẩm, kịch bản về đề tài Hà Nội, bảo vệ chủ quyền biển đảo, lịch sử dân tộc… Nhiều tác giả trong số đó có tác phẩm được giải thưởng văn học nghệ thuật Thủ đô. Song, theo đánh giá của giới làm nghề, sự hỗ trợ này chỉ mang tính “khuyến khích” là chính chứ chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư sáng tác, sản xuất điện ảnh.
Các chuyến thực tế, các trại sáng tác mở ra được coi là chất “xúc tác” giúp nghệ sĩ có thêm cảm hứng sáng tạo. Nhìn vào danh mục kịch bản sau mỗi trại viết, có thể thấy hầu hết các cây bút đều có sản phẩm ở nhiều thể loại và đề tài. Tuy nhiên, chất lượng kịch bản cũng như sự vắng bóng của những biên kịch trẻ và cả đầu ra cho kịch bản phim luôn là những dấu hỏi chưa có trả lời. Đạo diễn Đan Thiết Thụ - Chủ tịch Hội Điện ảnh Hà Nội thừa nhận: “Đầu ra cho các kịch bản phim luôn là vấn đề khiến chúng tôi trăn trở. Làm sao để các kịch bản phim không còn nằm trên giấy là điều chúng tôi mong mỏi”. NSƯT Nguyễn Thị Thanh Loan - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Điện ảnh Hà Nội không giấu: “Chưa có kịch bản nào ra đời từ các trại sáng tác do Hội tổ chức được đầu tư sản xuất, dù không ít kịch bản có chất lượng, được đánh giá cao. Ngậm ngùi nhất là phim “Người mẹ Hà Nội” (kịch bản của cố đạo diễn NSND Hải Ninh) dù đã được Hội đồng duyệt kịch bản phim của Hà Nội thông qua và ý định sản xuất trong đợt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Tuy nhiên, việc triển khai phim đến nay vẫn chưa được thực hiện. Kịch bản phim truyện “Côn Sơn ca” về danh nhân Nguyễn Trãi cũng vậy…”. Hãng phim Sao Khuê của Hội trong cả 5 năm vừa rồi chỉ thực hiện được 4 phim tài liệu - con số quá khiêm tốn so với đội ngũ người làm điện ảnh Thủ đô. Không chỉ là kinh phí Nhà văn Mai Vũ nhận định một cách hình ảnh: “Một tiếng thở dài đã kéo suốt 5 năm, nếu không mạnh dạn thay đổi, tiếng thở dài sẽ kéo dài ra mãi". Vậy đâu là điểm tựa để điện ảnh Hà Nội có thể “cất cánh”? Nhà văn Mai Vũ khẳng định cần mạnh dạn thay đổi cơ chế, cụ thể là thay đổi mô hình hoạt động, từ Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội thành Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Khi đó, các hội chuyên ngành sẽ tự chủ về tài chính cũng như phương thức hoạt động, chắc chắn sẽ có sức bật như một cái cây tự do vươn ra ánh sáng, chứ không còn là những cành cây cùng chung một gốc. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam thì cho rằng, phải tìm được đầu ra cho kịch bản mới tránh được sự lãng phí về chất xám. “Đầu ra có thể là truyền hình, có thể là Công ty điện ảnh Hà Nội” - bà Ngát gợi ý. Theo đạo diễn Đan Thiết Thụ, Hội Điện ảnh Hà Nội đã đề xuất tới UBND TP về việc ban hành văn bản pháp quy xác lập cơ chế phối hợp gắn điện ảnh Hà Nội với truyền hình Hà Nội trên cơ sở phát huy thế mạnh của mỗi ngành, trong đó đặt nhiệm vụ truyền hình Hà Nội trở thành đầu ra cho điện ảnh. Văn hóa và con người Hà Nội, đời sống đương đại, sự chuyển mình của Hà Nội hôm nay là mảnh đất màu mỡ để các nghệ sĩ khai phá. Nhưng vấn đề là khai phá thế nào. Nhiều người đặt ra yếu tố kinh phí, song thực tế có không ít thước phim về Hà Nội ra đời trong điều kiện khó khăn vẫn ghi được dấu ấn trong lòng công chúng. “Trong bối cảnh hiện nay, xã hội hóa điện ảnh là cần thiết, nhưng xã hội hóa không giản đơn là giải quyết bằng tiền, mà gắn với trách nhiệm nghệ sĩ. Tác phẩm điện ảnh phải hướng về cuộc sống, chạm vào các vấn đề của đời sống” - đạo diễn Trần Văn Thủy bày tỏ. Còn bà Ngát thì cho rằng: “Chúng ta cần tiền để làm phim nhưng không phải làm phim bằng bằng tiền tài trợ rồi để đấy”.
Một cảnh trong phim ''Sống cùng lịch sử''. |