Điện ảnh Việt: Nhìn lại thêm lo

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lấy dấu mốc một thập kỷ mới của điện ảnh Việt (từ năm 2000), những người làm nghề đã có cuộc hội ngộ bên lề giải thưởng Cánh diều Vàng 2011, để "kiểm điểm" nghề, ngành, và nhìn về tương lai.

Tuy nhiên, cuộc họp bàn diễn ra với chưa đầy 10 tham luận của các biên kịch, đạo diễn, bàn cả những vấn đề đã cũ, thì kỳ vọng đổi mới thật khó tìm thấy.

Vì sao diều Vàng  không “chủ”?

Đi qua một thập kỷ, người làm điện ảnh cũng có những tự hào khi một số phim Việt làm nên hiện tượng "cháy vé" ngoài rạp, nhiều tác phẩm điện ảnh đoạt giải cao ở các LHP quốc tế… Thế nhưng, bức tranh bao trùm của điện ảnh Việt vẫn thiếu kịch bản chất lượng, yếu kém trong cách thức làm phim, và cả những vấn đề hậu kỳ, phát hành, đào tạo đội ngũ kế cận…

Nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn nhận định: "Trong tất cả những bộ phim chúng tôi xem 10 năm qua thì cách kể vẫn rất cũ. Câu chuyện của chúng ta lắt léo nhưng con người của chúng ta lại quá đơn giản. Chúng ta cứ chia ra là địch với ta, chính với tà, thiện với ác, con người đã được định hình như thế rồi thì người ta còn xem làm gì nữa!".

Trong khi đó, một bộ phận làm nghề mải làm phim kiếm tiền, bỏ quên nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân vùng nông thôn, miền núi… làm cho bức tranh của điện ảnh càng trở nên cũ mòn. "Chúng ta mới có khoảng 100 rạp chiếu phim, trong khi nhiều nước trong khu vực có đến 1.000 rạp, các rạp lại chỉ được xây dựng ở tỉnh, thành phố lớn. Một bộ phận rất lớn là những người dân vùng núi, nông thôn không được thưởng thức điện ảnh. Hơn nữa, việc chiếu bóng hiện nay cũng không được chú trọng thực hiện. Trách nhiệm của Nhà nước là phải xây rạp chiếu bóng ở nông thôn, như đã xây sân bay, làm đường vậy" - ông Tuấn giãi bày. Không chỉ vậy, điện ảnh Việt còn dung nạp những kịch bản quá rời rạc, nhiều sản phẩm "ná ná" nhau, không có đột phá, mới mẻ ngay từ khâu viết kịch bản.

Đã có 4 dòng phim truyện được nhìn nhận trong sự phát triển của điện ảnh nước nhà 10 năm qua. Đó là dòng phim nhà nước đặt hàng, phim tư nhân sản xuất, phim Việt kiều sản xuất và dòng phim độc lập. Cũng đã có những bộ phim để lại ấn tượng, cũng có những phim "hốt bạc", nhưng chỉ vì cũ nên trong 10 năm thì có đến 3 mùa giải Cánh diều Vàng không tìm được "chủ".

Thêm một lần chờ

10 năm nay, điện ảnh luôn thèm những phim hay, còn khán giả khát những bộ phim ấn tượng. Thật ra, trong 10 năm ấy, điện ảnh Việt cũng le lói tín hiệu vui nhưng rồi lại tắt phụt vì sự luẩn quẩn trong định hướng của những người cầm trịch. Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng, điện ảnh Việt đã có những thành công ở thể loại tác phẩm video 1 tập, vì thế nên theo đà đó mà phát triển. "Những dạng video một tập hay 90 phút rất gần với phim điện ảnh và đã có những bộ phim rất thành công như "Mùa hoa cải ven sông" của đạo diễn Khải Hưng. Chúng ta đang mất đi điều này, mà đây lại là một phần của đời sống điện ảnh nhất là trong vấn đề phát hiện nhân tài" - đạo diễn Thanh Vân nhận định.

Đây là năm đầu tiên trong lịch sử giải thưởng Cánh diều vàng, 10/12 phim điện ảnh tham gia tranh giải do hãng phim tư nhân sản xuất. Nhìn vào thông tin này, nhiều người nhận định, rất có thể điện ảnh Việt sẽ có một dòng chảy mới. Thực tế có như vậy? Câu trả lời sẽ được giải đáp ở Lễ trao giải Cánh diều vàng diễn ra vào tối 17/3. Việc bình xét và trao giải sẽ thể hiện rõ tư duy của những người đứng đầu ngành để công chúng có thể hy vọng hoặc thất vọng vào sự đổi mới của điện ảnh trong tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần