Những câu chuyện Việt
Năm 2012, khi phim truyền hình bị chê trách rùm beng, Đài Truyền hình Việt Nam quyết định chiếu lại những bộ phim điện ảnh "kinh điển" mong lấy lại tình yêu của khán giả với bộ môn nghệ thuật thứ Bảy. Và chương trình Phim cuối tuần phiên bản mới đã lên sóng VTV1 vào 21 giờ hai ngày Chủ nhật đầu tháng. Đầu năm, dự án này có vẻ "chìm xuồng" vì các bộ phim kinh điển thế giới được chọn chiếu có vẻ quá "quen mắt" đối với người xem. Đến khi "Chuyện của Pao" mở đầu cho loạt phim điện ảnh Việt
Một cảnh trong phim "Chuyện của Pao" của đạo diễn Ngô Quang Hải
Sau "Câu chuyện của Pao", phim "Mùa len trâu" của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh lại khiến khán giả nao lòng. Chuyến dẫn trâu đi tránh lũ ngắn ngủi của chàng trai trẻ Cà Mau tên Kìm thực ra lại dài bằng cả một đời người. Những thử thách, những nỗi đau và gian khó mà Kìm phải chống chọi cũng chính là một phần của trang lịch sử về đời sống lam lũ, của người dân vùng sông nước Cửu Long thời kháng chiến chống Pháp... Rồi mới đây, "Thương nhớ đồng quê" của đạo diễn Đặng Nhật Minh cho người xem thấy một nông thôn bắt đầu bị xâm nhiễm bởi cơ chế thị trường thời đầu đổi mới. Liền trong vòng 4 tháng, chương trình đã mang tới cho khán giả những câu chuyện Việt rất đặc trưng. Ở đó có sông nước, có cánh đồng bên những con người Việt mang theo những tính cách Việt đi vào thế giới điện ảnh, sâu sắc và ấn tượng.
Tìm chuẩn cho phim
Xem phim xưa, ngẫm phim bây giờ càng thấy… nản(!). Đa phần phim làm ra đều xoay quanh chân dài, đại gia, nhà lầu, xe hơi… và lấy những màn hở hang làm "mồi" câu khán giả. Nhiều phim học theo hơi hướng phim Hollywood, Hàn Quốc hay Trung Quốc, thiếu vắng hơi thở cuộc sống và tính cách con người thuần Việt. Phim ta trước đây không cần "liếm ngực" như "Hoa nắng", giả dối lố bịch như "Nàng men, chàng bóng", bạo lực, sex như "Bẫy cấp 3"… vậy mà vẫn đầy tính nghệ thuật. Đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh không ngại bày tỏ suy nghĩ của mình khi so sánh phim trước và nay: "Phim ảnh bây giờ xa rời cuộc sống, thua xa điện ảnh Việt cách đây 15, 20 năm. Gần đây, Đài Truyền hình Việt Nam chiếu lại những bộ phim cũ, rất nhiều khán giả xem xong gọi điện cho hỏi tôi: Thời đó, phim ảnh đặt những vấn đề nghiêm chỉnh, sâu sắc, nhân bản như thế mà tại sao bây giờ không còn phim kiểu đó nữa? Câu hỏi này xin nhường để những người có trách nhiệm trả lời".
Quả thật, Việt Nam đã từng có một thời kỳ làm phim đấy dấu ấn, một thời điện ảnh không lấy lợi nhuận làm mục tiêu. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà đạo diễn Hà Sơn nhận định: "Chương trình Phim cuối tuần giúp công chúng Việt Nam, và cả một bộ phận không nhỏ người trong nghề, nhìn ra đâu là "chuẩn", thế nào mới là "chuẩn". Nó giúp một nền điện ảnh đang thiếu "chuẩn" trên nhiều phương diện từ kỹ thuật, thủ pháp, ngôn ngữ… có cơ hội nhìn lại mình, và biết phải phấn đấu ra sao để dần dần đạt chuẩn".