Diễn biến “lạ” giữa đại dịch: Cổ phiếu tăng “sốc” không vì kết quả kinh doanh

An An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa “bão” Covid-19, nhiều mã cổ phiếu như HVN của Vietnam Airlines, NVB của Ngân hàng Quốc dân, AST của Dịch vụ Hàng không Taseco, VJC của Vietjet… đã có mức tăng ấn tượng và khá bất ngờ. Tuy nhiên, đáng chú ý, sự tăng giá “sốc” của các mã này lại không đến từ bức tranh tài chính của bản thân DN hay những kỳ vọng của ngành, mà chủ yếu đến từ các thông tin mang tính “thời vụ” ngắn hạn, thông tin ngoài lề hoặc những dự báo chưa rõ ràng.

Vì đâu nhiều mã tăng "sốc"?
Nhóm cổ phiếu biến động mạnh nhất thời gian qua là hàng không. HVN của Vietnam Airlines tăng 19,6%, AST của Dịch vụ Hàng không Taseco tăng 12,3%, VJC của Vietjet tăng 3,4%, ACV của Cảng Hàng không Việt Nam tăng 8,7%... Nguyên nhân chính đến từ việc nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại tại một số địa phương, cũng như thông tin Cục Hàng không đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải phê duyệt kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ chở khách trong giai đoạn phòng chống dịch.
 Dù lỗ lũy kế hàng chục nghìn tỷ đồng, HVN của Vietnam Airlines vẫn có mức tăng khá ''sốc''
Ngoài ra, vào hôm 10/9, thông tin về việc Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý với đề xuất thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc cũng có thể sẽ tạo động lực tăng điểm với ngành hàng không.
Báo cáo ngành của Công ty Chứng khoán Agriseco mới đây nhận định, hàng không sẽ hồi phục mạnh trong giai đoạn 2022-2023, nên đây có thể là thời điểm để tích lũy. Mới đây, ngành này có thêm một động lực là tại Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước, ngay trong tháng 9, cần chủ trì phối hợp để xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định các cơ chế về hỗ trợ tín dụng giúp các hãng hàng không giải quyết thanh khoản, đảm bảo nguồn lực để duy trì và phát triển.
Cùng với nhóm hàng không, nhiều cổ phiếu của các DN bán lẻ, thép, ngân hàng, vận tải… cũng có sự bứt phá. Nhất là ngành vận tải, TCO của Vận tải Duyên Hải tăng đến 39,6% sau một tuần giao dịch. Động lực để TCO vọt tăng kỷ lục là thông tin Công ty đã bán xong gần 2 triệu cổ phiếu quỹ, cũng như sắp họp cổ đông bất thường về phương án phát hành hơn 48 triệu cổ phiếu tăng vốn. Tương tự, TMS của Transimex cũng lập mức đỉnh lịch sử mới tại 69.300 đồng, trước thông tin 24/9 là ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức năm 2020 với tỷ lệ thanh toán là 20%, gồm 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.
Nhóm ngành bán lẻ cũng chứng kiến đà tăng trước thông tin TP Hồ Chí Minh cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cung ứng dịch  bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập được hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày theo hình thức bán hàng mang về. MWG của Thế giới Di động tăng mạnh nhờ chuỗi cửa hàng Bách hóa xanh tăng mạnh doanh thu 49% so với cùng kỳ nửa năm trước, do hưởng lợi từ sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam. Hơn nữa, tính đến hết tháng 8/2021, cả 3 trang thương mại điện tử của MWG là: Thegioididong.com, Dienmayxanh.com và Bachhoaxanh.com đều nằm trong nhóm 3 trang có lượt truy cập cao nhất của từng ngành hàng theo số liệu thống kê của iPrice
Với nhóm bất động sản, đáng chú ý nhất là cổ phiếu TGG của Louis Capital đã liên tục tăng trần, tạo nên mức tăng gần 40% sau 1 tuần giao dịch.
Đà tăng gần 40% chỉ trong 1 tuần giao dịch của cổ phiếu TGG của Louis Capital được cho là đến từ thông tin công ty này liên tục mua bán và sáp nhập (M&A) với nhiều doanh nghiệp như Sametel (SMT), Chứng khoán APG (APG) và DAP Vinachem (DDV). Lãnh đạo Louis Capital cho rằng, Công ty mua cổ phiếu doanh nghiệp không phải với mục đích thâu tóm, M&A mà chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhiều mã cũng liên tục tăng giá, trong đó, gây chú ý nhất là cổ phiếu NVB của ngân hàng NCB với mức tăng tới 22% trong tuần trước, liên tục đạt trần và ghi nhận lượng giao dịch theo phương thức thỏa thuận khá lớn trong suốt 1 tháng qua. Cùng với đó là TPB của TPBank cũng tăng 9,4%, PGB của PG Bank tăng 7%, VPB của VPBank tăng 5%...
Bức tranh tài chính ảm đạm, tăng giá do các thông tin “thời vụ”?
Việc một số cổ phiếu tăng sốc, ngược dòng giữa đại dịch như NVB của Ngân hàng Quốc Dân, Vietnam Airlines, AST của Dịch vụ Hàng không Taseco VJC của Vietjet, ACV của Cảng Hàng không Việt Nam… có nguyên nhân đến từ những tin tốt của kinh tế vĩ mô và diễn biến công tác phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự đi lên này có lâu bền hay chỉ mang tính “nổi sóng” do những thông tin mang tính “thời vụ”, dự báo thì còn nhiều câu hỏi.
 Cổ phiếu NVB của Ngân hàng Quốc Dân thăng hoa sau khi nhóm cổ đông mới liên quan đến một DN lớn xuất hiện
Thực tế cho thấy, bức tranh tài chính của các DN có giá cổ phiếu tăng mạnh từ đầu năm đến nay khá ảm đạm và không có gì khởi sắc.
Đơn cử, nhóm ngành hàng không, dòng tiền kinh doanh đang rất bết bát. Vietnam Airlines, tính đến 30/6, Công ty đã lỗ luỹ kế trên 17.000 tỷ đồng và đã âm vốn chủ sở hữu khoảng 2.750 tỷ đồng. Vietjet tuy có lãi trong nửa đầu năm nhưng lại nằm ở việc đầu tư tài chính, bán tài sản, thua lỗ lớn ở ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng không…
Đà tăng gần 40% chỉ trong 1 tuần giao dịch của cổ phiếu TGG của Louis Capital được cho là đến từ thông tin công ty này liên tục mua bán và sáp nhập (M&A) với nhiều DN như Sametel (SMT), Chứng khoán APG (APG) và DAP Vinachem (DDV). Dù lãnh đạo Louis Capital cho rằng, Công ty mua cổ phiếu DN không phải với mục đích thâu tóm, M&A mà chỉ đơn thuần là đầu tư tài chính, nhưng không thể phủ nhận, đây cũng là động lực giúp cổ phiếu DN này tăng bất ngờ.
Hay cổ phiếu NVB của ngân hàng Quốc Dân (NCB) tăng tới 22% trong tuần trước, liên tục đạt trần và ghi nhận lượng giao dịch theo phương thức thỏa thuận khá lớn trong suốt 1 tháng qua. Nguyên nhân khiến NVB đi lên thẳng đứng không nằm ở kết quả kinh doanh, thậm chí kết quả kinh doanh của ngân hàng này không hề nổi bật so với các ngân hàng cùng quy mô, mà do sự xuất hiện của nhóm cổ đông và nhân sự cao cấp mới liên quan đến Tập đoàn Sungroup.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị, nhà đầu tư có thể cân nhắc tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm tiện ích và bán lẻ được hưởng lợi ngắn hạn từ các biện pháp giãn cách xã hội và nhóm cổ phiếu xuất khẩu như hóa chất, đá, gỗ, may mặc, thủy sản... nhờ nhu cầu thế giới hồi phục.
Bên cạnh đó, Công ty chứng khoán BSC cũng khuyến nghị nắm giữ chờ chốt vị thế tại các nhóm logistic gồm cảng biển, vận tải, kho bãi... do hưởng lợi từ chuỗi cung ứng thế giới bị gián đoạn và thiếu hụt. Những ngành liên quan đến hàng hóa như dầu khí, thép... vẫn còn tiềm năng nhờ hoạt động đẩy mạnh đầu tư công thế giới.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần