Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Diễn biến mới nhất vụ Tiến sĩ kiện cựu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/10, sau quá trình nghị án kéo dài, TAND TP Hà Nội đã tuyên án vụ ông Hoàng Xuân Quế (Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân) kiện cựu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Lý do của vụ kiện này là người khởi kiện cho rằng người bị kiện đã thu hồi bằng Tiến sĩ của mình không đúng quy định.

Toàn cảnh phiên tòa hành chính xét xử vụ ông Hoàng Xuân Quế kiện cựu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, tại phiên tòa ngày 17/10, nhận thấy một số nội dung trong vụ kiện chưa được làm rõ nên Hội đồng xét xử (HĐXX) đã quyết định quay lại phần xét hỏi đối với luật sư đại diện của Bộ GD&ĐT. Kết thúc quá trình xét hỏi và nghị án, do nhận thấy cần phải xác minh thêm một số tài liệu mà không thể tiến hành làm rõ ngay tại phiên tòa nên HĐXX đã quyết định tạm ngừng phiên tòa. Thời hạn tạm ngừng theo quy định không quá 30 ngày.

Theo nội dung vụ kiện, tháng 6/2013, Bộ GD&ĐT nhận được đơn tố cáo về việc ông Hoàng Xuân Quế - tác giả luận án Tiến sĩ (LATS) bảo vệ năm 2003 với đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” đã “đạo văn” tới 30% dung lượng LATS của ông Mai Thanh Quế - Học viện Ngân hàng. Trong các đơn tố cáo ông Hoàng Xuân Quế “đạo văn” có đơn của GS.TS Nguyễn Văn Nam - cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế & Quốc dân. Ông Nam chính là Chủ tịch Hội đồng phản biện LATS của ông Hoàng Xuân Quế 10 năm về trước.

Nhận được đơn tố cáo, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh. Tới ngày 4/10/2013, Bộ GD&ĐT có kết luận nội dung tố cáo đối với ông Hoàng Xuân Quế. Cụ thể, ông Hoàng Xuân Quế đã sao chép lên đến 52,5/159 trang của luận án (khoảng 30,02%) từ LATS của ông Mai Thanh Quế. Bên cạnh đó, các nội dung sao chép không có ghi chú nguồn trích và việc sao chép không đúng quy định… Và mặc dù gặp những phản ứng dữ dội của nhóm nhà khoa học trong hội đồng bảo vệ LATS của ông Hoàng Xuân Quế năm 2003 nhưng lãnh đạo Bộ GD&ĐT vẫn ra quyết định thu hồi bằng Tiến sĩ của ông này.

Tiếp đó, chiều ngày 11/10/2013, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã ký Quyết định số 4674 thu hồi bằng Tiến sĩ đối với ông Hoàng Xuân Quế. Quyết định này được căn cứ vào kết luận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận về việc xác minh đơn tố cáo đối với bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế. Không đồng tình với kết luận và quyết định thu hồi bằng Tiến sĩ nói trên, cuối tháng 10/2013, ông Hoàng Xuân Quế đã làm đơn khởi kiện Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Tại phiên tòa ngày 10/10/2016, luật sư đại diện cho Bộ GD&ĐT cho rằng, Bộ GD&ĐT ra Quyết định 4674 thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là đúng pháp luật. Tuy nhiên, luật sư đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Hoàng Xuân Quế đã đưa ra rất nhiều luận cứ chứng minh việc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ra quyết định số 4674 là vi phạm pháp luật.

Sau phần tranh tụng, căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội đã đề nghị HĐXX chấp nhận một phần khởi kiện theo yêu cầu của đương sự là ông Hoàng Xuân Quế đối với yêu cầu hủy Quyết định số 4674 ngày 11/10/2013 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc thu hồi bằng Tiến sĩ của ông.

Liên quan đến vụ kiện này, mới đây, Bộ GD&ĐT đã có văn bản do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký gửi: Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội để đưa ra ý kiến phản biện về quan điểm của đại diện Viện kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội trong vụ kiện của ông Hoàng Xuân Quế. Nội dung văn bản đã khẳng định, Quyết định số 4674 ngày 11/10/2013 của Bộ GD&ĐT là có đủ căn cứ pháp luật và phù hợp với thực tế khách quan.