Điện đàm trực tuyến cấp Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản

Khổng Minh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 10/6, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã có cuộc điện đàm trực tuyến với ngài Nishida Yasunori - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Cuộc điện đàm nhằm tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Hai bên cũng chia sẻ thông tin, tình hình phòng, chống dịch bệnh của hai nước, hai quân đội; đồng thời trao đổi về tình hình khu vực và thế giới cùng quan tâm.

Quang cảnh buổi điện đàm

Tại cuộc điện đàm, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh, để Việt Nam đạt được những thành công trong việc khống chế dịch bệnh như hiện nay là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cũng như sự tham gia của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, trong đó Quân đội đóng vai trò quan trọng và tích cực.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ, Việt Nam đánh giá cao thành quả của Nhật Bản, với vai trò, đóng góp của Bộ Quốc phòng, trong phòng, chống dịch Covid-19; cũng như tinh thần hợp tác quốc tế của Nhật Bản về việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh, sự hỗ trợ đối với các quốc gia gặp khó khăn. Trong bối cảnh cuộc chiến chống dịch Covid-19 còn lâu dài, phức tạp, Bộ Quốc phòng Việt Nam mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm với Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Sau khi dịch bệnh được khống chế, kiểm soát hoàn toàn, Bộ Quốc phòng Việt Nam sẵn sàng cùng Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiếp tục triển khai kế hoạch hợp tác năm 2020 với các nội dung hai bên đã thống nhất như: Trao đổi đoàn cấp cao, hợp tác trên các diễn đàn đa phương, tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của Liên Hợp quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh, đào tạo cán bộ, quân y.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, thông qua Ngài Thứ trưởng Nishida Yasunori, đã gửi lời chào trân trọng của Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đến ngài Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, mời Bộ trưởng thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị ADMM+ vào dịp cuối năm.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Nishida Yasunori đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, nhất là những đóng góp của Quân đội nhân dân Việt Nam, trong phòng chống dịch Covid-19; coi đây là kinh nghiệm quý báu cho nhiều nước trong việc phòng chống các dịch bệnh tương tự, cũng như các thách thức an ninh phi truyền thống khác.

Ngài Nishida Yasunori khẳng định, Nhật Bản sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống dịch Covid-19 với Việt Nam và sẽ nhanh chóng triển khai các hoạt động hợp tác quốc phòng mà hai bên đã thống nhất ngay sau khi dịch bệnh được khống chế. Nhật Bản ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công các hoạt động trong năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN, trong đó có các hoạt động trong khuôn khổ ADMM+.

Tại buổi điện đàm, hai bên cũng trao đổi về tình hình khu vực và thế giới cùng quan tâm. Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, trong thời gian qua đã xuất hiện một số hành động gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình tại Biển Đông, cũng như biển Hoa Đông. Nhật Bản kiên quyết phản đối những hành động này.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết, tại Hội nghị trực tuyến Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) mới diễn ra, các nước ASEAN đã thống nhất 2 nhận thức.

Thứ nhất, tuy dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng không để đại dịch Covid-19 làm cộng đồng quốc tế và khu vực quên đi các thách thức an ninh đang hiện hữu như an ninh mạng, an ninh môi trường, an ninh biển,chống khủng bố, cướp biển...

Thứ hai, mặc dù tình hình khu vực và thế giới có thể có thay đổi sau dịch Covid-19, song những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế không thay đổi. Đó là vì hòa bình, ổn định, không hành động đơn phương, không quân sự hóa và tôn trọng luật pháp quốc tế. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là các tranh chấp, bất đồng phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và các điều ước khu vực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần